Ngày 4/3, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, đơn vị này đang lấy ý kiến để hoàn thiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 để trình cho Bộ NN&PTNT.
Đề án do Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thực hiện dưới sự hướng dẫn của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.
Mục tiêu của Đề án là điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ biển, bờ sông, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, bờ biển.
Tỉnh Cà Mau phấn đến năm 2025, các khu dân cư ven biển, ven sông ở vùng có nguy cơ sạt lở được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Kết quả rà soát cho thấy, hiện nay, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91km. Trong đó, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22km, bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,1km, sạt lở nguy hiểm 40,3km.
Đối với bờ sông cần đầu tư hơn 47km kè (trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm hơn 14,7km và sạt lở nguy hiểm hơn 32,4km).
Theo nội dung Đề án, tỉnh Cà Mau cần đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ven biển, rừng phòng hộ ven biển.
Đồng thời, đầu tư xây dựng tuyến đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, ngăn triều cường, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, phát triển quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở kết hợp trồng rừng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, việc đầu tư công trình nói trên, nhằm phục hồi đai rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế cho người dân, xây dựng các công trình chỉnh trị sông tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển.
Cùng với đó là xây dựng các khu dân cư phục vụ công tác bố trí lại dân cư đang ở trong các khu vực nguy hiểm về sạt lở nhằm ổn định cho hơn 1.300 hộ dân trên diện tích hơn 78,8ha.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đang cần đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với kinh phí trên 31.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030, đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí trên 24.000 tỷ đồng. Đề án đề xuất trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách tỉnh 2.310 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 2.054 tỷ đồng.
Với tổng diện tích 66.600ha, Cà Mau vẫn là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước. Phần lớn rừng ngập mặn của tỉnh nằm ở ven biển phía Đông, chỉ có 5.500ha (8%) sinh trưởng ở phía ngoài đê hoặc dọc theo bờ biển phía Tây.
Diện tích đất rừng phòng hộ ven biển tỉnh đến năm 2020 là 31.907 ha, tình trạng sạt lở làm mất đất, rừng phòng hộ mỗi năm bình quân khoảng 400ha. Như vậy, đến năm 2025 diện tích rừng phòng hộ tỉnh Cà Mau dự kiến còn lại khoảng 29.900ha và đến năm 2030 còn lại khoảng 27.900ha
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển đã góp phần bảo vệ đường bờ biển, phục hồi môi trường sinh thái ven biển trong giai đoạn 2016 – 2021. Cụ thể, trồng mới rừng phòng hộ ven biển 55ha tại khu vực bãi bồi có tường mềm giảm sóng, 406,22ha trồng mới trụ đước tại vùng san lấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận