Những ngày qua, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL, khiến cho người dân hoang mang, đặc biệt là người chăn nuôi.
Riêng tại tỉnh Cà Mau, với đặc thù vùng sông nước, giao thông đường thủy - bộ đan xen nhau, cùng với đó là việc thiếu lực lượng, phương tiện, phải huy động lực lượng các ngành khác không chuyên trách,… nên rất khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan dịch cao.
Theo thống kê của ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có khoảng 75.000 con lợn. Do đó, nếu để dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Trong đó, có thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi, kinh phí của Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng; kinh phí thuốc, hóa chất tiêu diệt, khử trùng, xử lý môi trường; kinh phí hỗ trợ cán bộ phòng, chống dịch theo quy định;… Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như: Không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, có nguồn gốc từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh Cà Mau; tất cả các phương tiện (xe tải, xe ô tô,xe gắn máy, xe đạp và xe thô sơ) có và không có vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đều phải di chuyển qua “hố tiêu độc, sát trùng” đã được bố trí tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh;…
Dịch tả lợn châu Phi được đánh giá là bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm, do vi rút gây bệnh tồn lưu rất lâu trong môi trường tự nhiên. Bệnh không lây nhiễm sang người, nhưng lây nhiễm từ lợn sang lợn, tốc độ lây lan rất nhanh qua nhiều đường lây nhiễm khác nhau (từ lợn bị bệnh, thức ăn chưa qua xử lý, mầm bệnh phát tán từ vùng dịch bệnh qua nguồn nước,…). Hiện nay, bệnh chưa có thuốc trị, vaccine phòng bệnh và 100% lợn bị nhiễm sẽ chết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận