Ngày 24/5, tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) xác nhận, trên địa bàn vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.
“Hôm nay (24/5) đã có kết quả xét nghiệm xác định lợn bị nhiễm bệnh và ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn ngay trong sáng nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục lập chốt chặn, kiểm tra các xã, thị trấn trong địa bàn để kịp thời kiểm soát dịch bệnh”, một lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp cho hay.
Trước đó, ngày 22/5, hộ bà Nguyễn Sol Pha (ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) trình báo với ngành chức năng gia đình có lợn bị bệnh bỏ ăn. Sau đó, trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp đã trực tiếp đến hộ bà Pha xác minh.
Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định, tổng số lợn trong chuồng của bà Pha là 33 con (có 1 con lợn nái đã bị bệnh từ 18/5, hai ngày sau lây sang 3 con khác). Trong số những con lợn bị bệnh, 1 con có dấu hiệu sốt, đỏ da, phân hơi khô, 3 con còn lại không bị sốt, nhưng bỏ ăn.
Sau đó, cán bộ của trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp đã tiến hành lập biên bản xác minh bệnh và cấp thuốc sát trùng cho chủ hộ. Đồng thời, yêu cầu không bán chạy gia súc và tiếp tục theo dõi chờ ngành chuyên môn lấy mẫu gửi xét nghiệm để có kết luận về bệnh và có biện pháp khống chế kịp thời.
Trước đó, khu vực ĐBSCL đã có 3 tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang và An Giang có xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi, chủ yếu tại các đàn lợn nuôi theo hộ gia đình.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, mặc dù, hai tỉnh lân cận Kiên Giang là Bạc Liêu và Cà Mau chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng 2 địa phương này đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh.
Tại Cà Mau, ngay trong chiều 24/5, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị sẽ có buổi làm việc với các nhà mạng, đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Cũng theo ông Đen, nội dung tuyên truyền chủ yếu là thực hiện phương châm: Bốn không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết hoặc không có đóng dấu kiểm soát của cơ quan thú y; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa nấu chín để nuôi lợn); Hai phải (báo ngay cho thú y và trưởng ấp, khóm khi phát hiện heo bệnh chết; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học) và Một chỉ (chỉ sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát của thú y và qua nấu chín).
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều công văn, chỉ thị, họp trực tuyến các địa phương triển khai khẩn trương các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, giao Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chức năng xem xét thành lập trạm chốt kiểm dịch tại huyện Hồng Dân, kiểm tra lợn và sản phẩm làm từ lợn nhập tỉnh, sát trùng phương tiện vận chuyển,… lập đoàn kiểm tra các cơ sở hộ chăn nuôi khu vực giáp ranh tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát dịch bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận