Ngày 17/6, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Đồng thời, thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. (Ảnh minh họa)
Trên tinh thần đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm tiêm vaccine cho đến hết tháng 6/2022, đảm bảo cho người từ 5 đến dưới 18 tuổi đủ liều cơ bản (2 mũi), người từ 18 tuổi trở lên đủ liều nhắc lại lần 1 và lần 2, không để sót người chưa được tiêm theo quy định.
Địa phương nào triển khai không nghiêm túc việc tiêm vaccine trên địa bàn, còn đối tượng tiêm (kể cả liều bổ sung, liều nhắc lại) nhưng để vaccine tồn đọng, hết hạn sử dụng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, kể từ ngày 26/4/2021 đến nay, tỉnh này đã triển khai được 38 đợt tiêm vaccine ngừa Covid-19, với số liều vaccine đã tiếp nhận là 2.671.250 liều.
Đến nay, còn tại kho 400.140 liều vaccine Pfizer tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 53.000 liều vaccine Pfizer tiêm cho người từ 5 - 11 tuổi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 có chiều hướng chậm lại, chưa đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Nguyên nhân là do còn một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan, không đồng ý tiêm vaccine.
Nhiều người nghĩ tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại không cần thiết… gây ảnh hưởng đến công tác tiêm vaccine.
UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, để xảy ra các nguyên nhân trên là do cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở thiếu quan tâm vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận