Khi nghệ sĩ "tên tuổi" cũng phạm lỗi
Những ngày qua, câu chuyện bản quyền âm nhạc tiếp tục "nóng" trong dư luận. Nguồn cơn bắt đầu từ việc công ty ACV Entertaiment, đơn vị nắm bản quyền ca khúc "Ai chung tình được mãi" (ca sĩ Đinh Tùng Huy) lên tiếng tố Đan Trường, Tùng Dương, Lệ Quyên... tự ý cover, mang ca khúc đi biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau nhưng không xin phép, vi phạm bản quyền âm nhạc nghiêm trọng.
Lệ Quyên bị tố "hát chùa" ca khúc "Ai chung tình được mãi"
Ít ngày sau, nhạc sĩ Đình Dũng tiếp tục lên tiếng "tố" ca sĩ Đan Trường đã dùng chùa 2 năm ca khúc "Từng yêu" để đi biểu diễn nhiều nơi (có tính phí).
Trước đó vài tuần, nhạc sĩ Kai Đinh bức xúc thông báo, bài hát "Mình yêu đến đây thôi" dù đang trong thời hạn được độc quyền ghi âm/ghi hình/biểu diễn của ca sĩ Tóc Tiên, nhưng Nam Em đã dùng bài hát để đi diễn, thậm chí ghi hình và up lên kênh YouTube, dù chưa hề nhận được sự đồng ý của tác giả và ca sĩ đang có quyền sử dụng.
Văn Mai Hương cũng từng bị chỉ trích khi trình diễn lại bản cover "Always Remember Us This Way" của Lady Gaga trên khắp các sự kiện lẫn các phòng trà và địa điểm tổ chức âm nhạc. Thậm chí, cô còn đăng tải phần thể hiện của mình lên YouTube và có lần không để tên Lady Gaga trong clip cover.
Nhìn nhận về thực trạng nghệ sĩ đổ xô đi cover ca khúc cũ, nhạc sĩ Kai Đinh cho biết, anh rất vui và hạnh phúc khi các bài hát của mình được khán giả và đồng nghiệp yêu thích. Song, nam nhạc sĩ hoàn toàn phản đối việc bài hát của mình được sử dụng với các mục đích thương mại khi chưa được cho phép.
"Câu chuyện bản quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam giờ đã phát triển đến mức các quán cà phê, nhà hàng khi phát nhạc của nghệ sĩ phải mua tài khoản trên các trang nhạc số.
Nhưng không hiểu vì sao đến giờ các nghệ sĩ đồng nghiệp khi sử dụng bài hát của các nghệ sĩ khác vẫn không làm được điều tối thiểu, là xin phép trước khi sử dụng", nhạc sĩ Kai Đinh bày tỏ.
Cover giúp ca khúc được lan tỏa
Trong thời buổi khó tìm bản hit như hiện nay thì việc cover ca khúc nhạc hot trở thành phương thức hữu hiệu của nhiều giọng ca.
Đó còn chưa kể, những ca khúc nổi tiếng một thời bỗng trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn qua nhiều giọng ca khác nhau cũng khiến khán giả thích thú.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn
Thậm chí, nhiều bản cover còn giúp "hồi sinh" lại các bản nhạc đã cũ sau một thời gian dài bị quên lãng. Việc Hà Anh Tuấn làm mới loạt hit một thời: "Về đi em", "Tình thôi xót xa", "Em về tinh khôi"… là một ví dụ.
Chia sẻ với Báo Giao thông, nhạc sĩ Xuân Hảo khẳng định, việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền khi cover nhạc không chỉ hợp thức hóa về mặt luật pháp mà còn giúp ca sĩ thuận lợi khi các ca khúc phát hành trên môi trường số hay đi biểu diễn.
Đây cũng là quyền lợi của người sáng tạo và người nắm giữ bản quyền âm nhạc, được quy định rõ ràng. Việc một công ty tuyên bố bản quyền và các quyền lợi liên quan đương nhiên là quyền lợi hợp pháp.
Tuy nhiên, bản thân anh sẵn sàng chia sẻ ca khúc của mình, nếu ai thích, ai cần. "Sau cùng, âm nhạc hay bất cứ tác phẩm nghệ thuật phải có sự lan tỏa, tiếp nối thì mới có thể sống mãi với thời gian. Một ca khúc càng được nhiều ca sĩ và nhiều khán giả cover thì càng tiếp cận được nhiều đến khán giả", nam nhạc sĩ cho hay.
Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung nêu rõ, âm nhạc là một trong những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và ca sĩ trình bày bài hát đó sẽ được bảo hộ quyền liên quan.
Theo đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm này trước công chúng, sao chép tác phẩm, truyền tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện kỹ thuật…
Cover bài hát được hiểu là việc hát lại một bài hát đã có trước đó. Bởi vậy, đây cũng có thể coi là một dạng của tác phẩm phái sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận