Đời sống

Cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập cao

18/07/2023, 16:03

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập cao, nhất là Cần Thơ, Cà Mau...

Sáng 18/7, tại tỉnh Hậu Giang, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

img

Quang cảnh hội thảo tổ chức sáng 18/7 tại Hậu Giang.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Dự báo trong tương lai, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng chịu ảnh hưởng.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, toàn bộ 13 tỉnh, thành tại đây đều có nguy cơ ngập. Trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang), Cà Mau (Cà Mau), Sóc Trăng (Sóc Trăng), Vị Thanh (Hậu Giang) và Cần Thơ.

Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287 phê duyệt quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Nhiều tuyến đường ở nội ô TP Cần Thơ ngập sâu mỗi khi triều cường dâng cao.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Để triển khai các định hướng nêu trên của Nghị quyết 6 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị. Đây cũng là mục đích chính của hội thảo”, ông Hiển cho biết.

img

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao...

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, năm 2004, tỉnh được chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ).

Thời điểm này, hạ tầng đô thị còn nhiều hạn chế, chỉ có 9 đô thị. Trong đó, có một đô thị loại IV, còn lại là đô thị loại V.

Đến nay, tỉnh có 19 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,75%. Các đô thị đều phát triển khá đồng bộ từ hình thái kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt, các đô thị trung tâm đều phát triển nhanh, hài hòa, bền vững đã từng bước đáp ứng và ngày càng hoàn thiện được các chỉ tiêu đô thị.

img

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.210 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và vốn đối ứng của tỉnh. Thời gian thực hiện năm 2023-2026.

“Mục tiêu của dự án là xây dựng Ngã Bảy thành đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm của tỉnh để đảm bảo xứng tầm phát triển là một trong các đô thị hạt nhân của tỉnh”, người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.