Bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng (phải) tại phiên tòa xét xử |
Ngày 9-10/5, Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã mở phiên tòa xét xử hình sự về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tại Điều 202 Bộ luật hình sự đối với 2 bị can là Ngô Văn Sơn, Lê Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Vũ Văn Hoàng).
Vào hồi 15h39’ ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (có GPLX hạng B2) điều khiển xe ô tô loại 8 chỗ, nhãn hiệu TOYOTA – INNOVA BKS 99A – 142.53 trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, trên xe chở 10 người từ Bắc Ninh lên Thái Nguyên ăn cưới. Khi đi đến địa phận xóm Sử, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, do đi quá nút giao Yên Bình nên Ngô Văn Sơn điều khiển cho xe lùi theo hướng Thái Nguyên – Hà Nội để đi ra nút giao Yên Bình.
Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe ô tô sơ mi rơmooc, đầu kéo BKS 98C – 07917, rơmooc BKS 89R – 004.85 đi đến nút giao Yên Bình, do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật nên đầu xe của Hoàng đã đâm vào đuôi ô tô của Sơn. Hậu quả, 4 người trên xe Innova chết gồm: Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Mai Anh, Lê Tuấn Hùng, Lê Văn Lượng. Riêng Trần Thế Khoa bị thương tích gây tổn hại sức khỏe 97% và Nguyễn Thị Viên bị thương tích 14%.
Theo ghi nhận của chúng tôi từ sáng 9/5 đến hết phiên xét xử sáng 10/5, hai bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng tiếp tục đứng "chôn chân" trong tất cả thời gian xét xử và không có ghế ngồi. Cả hai bị cáo đều tỏ ra khá mệt mỏi.
Liên quan đến vấn đề trên, trưa ngày 10/5, trao đổi với PV, thẩm phán Nguyễn Kim Ngọc, Chủ tọa phiên tòa cho biết, về nguyên tắc xét xử, các bị cáo không có ghế ngồi. Trường hợp bị cáo có vấn đề về sức khỏe và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền là cơ quan giam giữ, tại phiên tòa nếu người quản lý bị cáo đề nghị bị cáo không đảm bảo sức khỏe, HĐXX sẽ xem xét.
"Về nguyên tắc, các bị cáo đều phải đứng trong suốt thời gian xét xử, không có ghế ngồi bởi bị cáo đang bị Viện kiểm sát truy tố theo tội danh điều luật của Bộ luật tố tụng hình sự", ông Ngọc khẳng định.
Ông Ngọc cho biết thêm, các bị cáo đều đảm bảo sức khỏe bởi đã được cơ quan kiểm tra sức khỏe ở nơi giam giữ rồi. Nếu bị cáo không đảm bảo sức khỏe, cơ quan giam giữ đã thông báo cho tòa án. Còn trong quá trình thực hiện, vẫn có giải quyết "mềm" là trong một lúc nào đó, nếu bị cáo mệt, không đảm bảo sức khỏe có thể được ngồi một lúc.
Ông Ngọc chia sẻ, phần xét hỏi nếu dài, có thể sắp xếp ghế cho các bị cáo khi chưa đến lượt được ngồi. Tại phiên tòa này, có 2 bị cáo, phần xét hỏi bình thường, khi luật sư và người khác hỏi thì việc đứng lên ngồi xuống của hai bị cáo là thường xuyên.
“Hai bị cáo này đảm bảo sức khỏe không vấn đề gì, không ảnh hưởng đến quyền của bị cáo”, ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, hội trường xét xử chưa đảm bảo được theo tinh thần của cải cách tư pháp, bàn ghế cho người bị hại ngồi còn chưa đủ, một số người vẫn còn phải đứng ngoài cửa.
Ngay trong buổi xét xử sáng nay, phía Viện kiểm sát tiếp tục luận tội và đề nghị mức án 10 -11 năm tù đối với bị cáo Ngô Văn Sơn; 7 - 8 năm tù đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng. Đồng thời, yêu cầu bị cáo Sơn, Hoàng và Công ty TNHH Hiếu Thảo phải thực hiện việc bồi thường cho các nạn nhân, người bị hại.
Cả hai bị cáo đứng suốt trong thời gian xử án |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận