Betty Liu, Phó chủ tịch điều hành Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) |
Các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập, mở rộng hoạt động của mình tại khu vực Đông Nam Á với hy vọng né tránh được những tác động không mong muốn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sự chuyển dịch chiến lược
“Đông Nam Á là một trong những khu vực được khai thác trước đây nhưng giờ đang nhận được sự tập trung mới từ các công ty khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc”, nhận định này được bà Betty Liu, Phó chủ tịch điều hành Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 18/12.
Theo bà Liu, các doanh nhân Trung Quốc đang ngày càng để mắt đến sự tăng trưởng ở Đông Nam Á, nhằm đa dạng hóa hơn kế hoạch phát triển thay vì xu thế tập trung, thâm nhập và bành trướng ở các thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường khác như trước đây.
Thời gian qua, các công ty công nghệ Trung Quốc đã lên các sàn giao dịch thế giới với tốc độ chóng mặt. Tính đến ngày 14/12, khoảng 58 công ty trong số đó đã huy động được hơn 20 tỷ USD trong năm 2018 để phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Khoản tiền này chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn các nhà đầu tư dành cho các công ty công nghệ trên toàn cầu, theo đánh giá của nhà cung cấp dữ liệu Dealogic.
Tuy nhiên, các số liệu cũng chỉ ra rằng, các công ty công nghệ Trung Quốc hiện có xu hướng chọn niêm yết tại các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Chỉ có 21 công ty công nghệ Trung Quốc huy động thông qua các sàn giao dịch của Hoa Kỳ trong năm 2018 với số tiền chỉ khoảng 6 tỷ USD.
Nữ lãnh đạo NYSE cũng thừa nhận một thực tế rằng, hiện giờ là thời điểm vô cùng khó khăn để làm ăn với Hoa Kỳ, khi kể từ tháng 7, Washington và Bắc Kinh đã áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD của nhau. Các động thái căng thẳng liên tiếp trong thương mại hai nước đã làm giảm triển vọng tăng trưởng trong năm tới tại cả 2 quốc gia.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn đặc biệt lo lắng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc khi hai cường quốc Mỹ, Trung đang chạy đua để chiếm vị trí thống trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo, robot và khoa học đời sống.
Các cáo buộc liên tiếp về việc trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ đối với Trung Quốc cũng là vấn đề rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư và cũng là phần khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thách thức với Mỹ
Nữ lãnh đạo NYSE Betty Liu cũng cho biết, những thay đổi trong định hướng của doanh nhân Trung Quốc có thể tạo ra thách thức đối với thị trường Mỹ trong việc thu hút thêm các công ty niêm yết từ Trung Quốc trong những năm tới nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, các thị trường khác đang thu hút thêm các công ty niêm yết, tạo ra sự cạnh tranh nhiều hơn. Chẳng hạn như Sàn giao dịch Chứng khoán Hong Kong trong những năm gần đây đã nới lỏng các quy định về niêm yết để thu hút các công ty công nghệ có thương vụ IPO lớn nhất.
Hồi tháng 7, công ty điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi đã huy động được 3 tỷ USD sau khi IPO tại Hong Kong. Còn Meituan Dianping, một nền tảng dịch vụ giao hàng thực phẩm trực tuyến, được niêm yết tại đây trong một đợt phát hành IPO trị giá 4 tỷ USD vào tháng 9 vừa qua.
Thời gian qua, NYSE, sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, vẫn tiếp tục thu hút được một số công ty lớn của Trung Quốc.
Như việc nhà sản xuất xe điện NIO đã huy động được 1 tỷ USD hồi tháng 9; hay doanh nghiệp phát nhạc trực tuyến Tencent, một liên doanh công nghệ rất được kỳ vọng của Trung Quốc, vừa lên sàn giao dịch New York hôm 12/12 với đợt phát hành IPO trị giá 1,1 tỷ USD.
Nhưng, những con số kém ấn tượng này cho thấy, các nhà đầu tư Mỹ đang lo lắng liệu lĩnh vực công nghệ cao có giữ được giá trị của nó khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước tiếp tục diễn ra.
Còn các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải cân nhắc tình hình hiện tại để đưa ra kế hoạch phát triển của họ, khu vực Đông Nam Á mà một điểm đến mới mẻ, an toàn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị đầu tư cao của người Trung Quốc, bà Liu nhận định.
Đại diện của NYSE cho rằng, cả hai nước đều hiểu rằng có hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu có sự liên kết rất bền chặt, bất kể mối quan hệ này đã căng thẳng đến mức nào.
Vì vậy, các doanh nghiệp ở cả Mỹ và Trung Quốc đều cấp thiết mong mỏi một thỏa hiệp mới giữa Washington và Bắc Kinh đạt được trong thời gian đàm phán, trước ngày 1/3/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận