Thời sự Quốc tế

Các Đại sứ chỉ ra cơ hội để doanh nghiệp Việt "vươn ra biển lớn"

10/12/2021, 12:42

“Xanh, sạch và số” là 3 xu hướng chính mà các thị trường trên thế giới đang hướng đến và rất mở với Việt Nam.

Đây là điều mà 300 đại biểu bao gồm các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Ngoại giao, đại diện một số bộ, ngành kinh tế và lãnh đạo, đại diện gần 200 hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam… có mặt tại toạ đàm diễn ra sáng nay 10/12, đều đồng thuận.

Toạ đàm có chủ đề "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm - Giải pháp và hành động" diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.

Tại toạ đàm, các Đại sứ đều nhận định, các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Australia, Anh, … đều có rất nhiều dư địa cho Việt Nam.

img

Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh- Tuấn Anh/Báo quốc tế)

Cơ hội và xu hướng tại 6 thị trường lớn

Đáng chú ý, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, Mỹ đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tính đến tháng 11/2011, kim ngạch thương mại 2 chiều đã trên 90 tỷ USD, chắc chắn cuối năm trên 100 tỷ USD

Đồng thời Mỹ luôn duy trì chính sách mở cửa cho các sản phẩm của Việt Nam.

img

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc phát biểu tại sự kiện. (Ảnh- Tuấn Anh)

Một thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng có rất nhiều dư địa. Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, Trung Quốc là thị trường rất rộng lớn, tất cả khu vực đều mong có thể vào thị trường này.

img

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. (Ảnh- Tuấn Anh)

Với Anh, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, sau khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đẩy mạnh hợp tác ngoài EU, đáp ứng phần nào những “lỗ hổng” mà Brexit để lại. London đang thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác.

Với Việt Nam, cơ sở hợp tác vẫn là trên FTA với EU (EVTFA). Năm nay, Anh hướng tới tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPP), hướng chú ý sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

img

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. (Ảnh- Tuấn Anh)

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Anh xác định sau đại dịch Covid-19 là cơ hội để tập trung tăng cường hợp tác. Theo Đại sứ, Anh chú trọng các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng; kinh tế xanh bền vững; kinh tế số và khoa học kỹ thuật.

Theo Đại sứ Long, những dự án hợp tác liên quan tới kinh tế xanh sẽ được đẩy lên rất nhanh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có cơ hội hợp tác rất lớn.

Tương tự như Anh, Australia cũng đi theo hướng đa phương, đa dạng, tham gia vào nhiều FTA lớn. Từ 2 năm gần đây, Australia đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là điểm mà rất nhiều doanh nghiệp VN như Vingroup, TH group, Hoà Phát,… đã và đang quan tâm đồng thời có bước chuyển rất lớn ngay trong thời điểm dịch bệnh.

Có 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietravel, Vietjet, Bamboo đều muốn có đường bay trực tiếp sang Australia.

img

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành. (Ảnh- Tuấn Anh)

Tại Singapore - “quán quân” trong đầu tư tại Việt Nam, nước bạn cũng rất hào hứng tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam - Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng nhấn mạnh.

Đại sứ Dũng chỉ ra Singapore và Việt Nam là 2 nước duy nhất ký FTA với EU trong khi lượng hàng hoá từ Singapore chưa hết hạn ngạch (quota) nên VN có thể tận dụng phần quota này để xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc mở đường bay thương mại là nhu cầu cấp bách.

img

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng. (Ảnh- Tuấn Anh)

Xa hơn, ở Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, đây cũng là thị trường rất hấp dẫn vì họ đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa ngành kinh tế và không còn quá phụ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ. Chỉ có điều sự xuất hiện của Việt Nam tại đây còn chưa rõ nét.

img

Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn. (Ảnh- Tuấn Anh)

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam nên có cách nhìn mới về thị trường này, tận dụng tính chất tương đối “dễ tính”, mở cửa, hướng tới đa dạng của UAE để nhanh chóng phát triển sâu, vững chắc.

Cơ hội đã có, liệu doanh nghiệp có thể nắm bắt?

Bên cạnh cơ hội, các Đại sứ chỉ ra, hoạt động kinh doanh của Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế.

Hạn chế lớn nhất chính là cách xuất khẩu tại một số nơi như Trung Quốc, UAE còn chủ yếu dựa vào tiểu ngạch và chưa thể đi sâu.

Như tại Trung Quốc, Việt Nam chưa nắm được hệ thống phân phối, phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty địa phương.

Chưa kể Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu chúng ta không sớm nhìn nhận và nắm bắt cách quy hoạch mới của Trung Quốc thì sẽ khó có thể tiến sâu.

Hay tại UAE, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, các nước trên thế giới đã nhanh chân mở văn phòng đại diện thương mại tại UAE trong khi hoạt động đầu tư kinh doanh của VN tại đây vẫn mang tính chất manh mún, chưa có thương hiệu…

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Tại toạ đàm, các Hiệp hội, doanh nghiệp cũng nêu ra khó khăn và kiến nghị để có thể vươn xa hơn ra biển lớn.

Kiến nghị được nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đưa ra đó là mong muốn các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài trở thành cầu nối vững chắc hơn nữa để các doanh nghiệp có thể hiểu sâu về thị trường xuất khẩu, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, chọn lọc giữa biển thông tin lớn để sớm xác định chiến lược.

img

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro, Tập đoàn BRG. (Ảnh- Tuấn Anh)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu các cơ quan đại diện sử dụng, trưng bày sản vật, hàng hoá của Việt Nam, đó sẽ là cách để quảng bá rõ nét và gần gũi nhất tới các đối tác, doanh nghiệp và quan chức cấp cao trên thế giới.

Ngoài ra, Đại sứ Việt Nam tại Australia còn nêu ra sáng kiến thành lập nhóm tư vấn kinh tế doanh nghiệp có sự góp mặt của các bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam và các CQĐD để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sâu sát hơn.

3 xu hướng phát triển kinh tế thế giới

Đánh giá về xu hướng trong kinh tế thế giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương nêu 3 xu hướng lớn trong phát triển kinh tế thế giới hiện nay đang ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.

Đầu tiên là xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh trong nền kinh tế thế giới. Điển hình là sự cạnh tranh – hợp tác giữa nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Đây cũng là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần khéo léo tìm ra lĩnh vực để không mắc kẹt trong thế cạnh tranh của hai nền kinh tế này.

Thứ hai, đó là yếu tố địa chính trị trong kinh tế quốc tế, đặc biệt là tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Yếu tố này có tác động đặc biệt quan trọng tới vấn đề vận chuyển hàng hóa.

Phó Chủ tịch VCCI đề cập dự án kênh đào Kra tại Thái Lan và cơ hội đến từ dự án này mà Việt Nam có thể tận dụng.

Cuối cùng, Thứ trưởng Khương nhấn mạnh sự phát triển nền kinh tế số. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nền tảng kỹ thuật số để tăng cường kết nối với khách hàng, đồng thời giảm thiểu chi phí kho bãi, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.