Hỏi - Đáp

Các đối tượng vụ nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 đối diện mức án nào?

21/12/2021, 18:14

Các luật sư cho rằng, ngoài tội danh đã bị khởi tố, các đồng phạm trong vụ thổi giá kit test có thể bị xử lý về tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".

Giám đốc Công ty Việt Á đối diện mức án 20 năm tù

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Có 7 bị can đã bị khởi tố, trong đó có Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương.

img

Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương (bên trái) và Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (bên phải)

Nêu quan điểm về vụ việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng, hành vi của các đối tượng này không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật mà còn gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận với những người đứng đầu, phụ trách công tác chống dịch của địa phương.

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân khó khăn, hành vi lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời của Giám đốc Công ty Việt Á cùng đồng phạm rất đáng lên án. Với tình tiết lợi dụng dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội, các bị can sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Cường nói.

img

Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp)

Luật sư Cường cho biết, Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rõ về các trường hợp chỉ định thầu được áp dụng. Theo đó, các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách sẽ tiến hành chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên, việc chỉ định thầu phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu.

Trường hợp này, các bị can đã có hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận, vi phạm quy định về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013. Do đó, việc cơ quan chức năng khởi tố Việt cùng đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là có cơ sở.

"Trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền Việt cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước là bao nhiêu. Nếu số tiền thiệt hại trên một tỷ đồng, căn cứ Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt áp dụng sẽ là 10-20 năm tù. Nếu số tiền thiệt hại dưới một tỷ đồng, mức án tối đa các bị can có thể đối mặt là 12 năm tù', luật sư Cường nói.

Có thể bị tử hình nếu nhận hối lộ 30 tỷ đồng

Luận bàn về sự việc này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, ngoài tội danh đã bị khởi tố, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi nâng khống giá thiết bị để ký hợp đồng rồi "lại quả" của bị can Việt cùng những người liên quan.

Nếu đủ căn cứ, những người liên quan trong vụ việc còn có thể bị xử lý thêm về các tội "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" theo Bộ luật Hình sự 2015.

img

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

"Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định số tiền chi phần trăm ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á với Giám đốc CDC Hải Dương là gần 30 tỷ đồng. Số tiền hưởng lợi này là rất lớn và trường hợp cơ quan điều tra xác định được việc đưa nhận tiền trong những tình huống này có dấu hiệu thoả mãn cấu thành tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" theo Bộ luật Hình sự, thì Giám đốc CDC Hải Dương có thể bị truy cứu thêm về tội "Nhận hối lộ" trong vụ việc này với mức xử lý cao nhất là tử hình", luật sư Bình phân tích.

Trong trường hợp, cơ quan chức năng xác định được số tiền 30 tỷ đồng đó là tiền hối lộ, Giám đốc CDC Hải Dương nếu khắc phục hoàn toàn thì có thể không bị xử kịch khung của tội danh này (tử hình). Bởi Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021, người phạm tội tham ô tài sản nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.

Dưới góc độ dân sự, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật nhận định, người tiêu dùng và các tổ chức, đơn vị phải mua, sử dụng kit test với giá cao của Công ty Việt Á có thể được coi là bị hại trong vụ việc. Họ có tài sản, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để yêu cầu bồi thường.

"Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 7, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, cá nhân, tổ chức phải sử dụng bộ kit test có quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, cần có bằng chứng, hoá đơn chứng minh việc mua bán bộ kit với giá tiền trên để làm căn cứ giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho mình", luật sư Bình phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.