Buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh do đóng không phận
Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 và chính quyền Kiev quyết định đóng không phận đối với hoạt động hàng không dân dụng, các hãng bay nước này lâm vào cảnh khó khăn.
Trường Kinh tế Kyiv ước tính, trong thời gian diễn ra xung đột đến tháng 6/2023, có 19 sân bay và sân bay dân dụng đã bị hư hại, trong đó ngành giao thông vận tải thiệt hại 3,1 tỷ USD.
Một số hãng hàng không đã buộc phải dừng hoạt động, trong khi hãng hàng không quốc gia Ukraine và từng là hãng bay lớn nhất quốc gia này - Ukrainian International Airlines tuyên bố vỡ nợ.
Theo hãng thông tấn nhà nước Ukraine Ukrinform, tòa án thụ lý vụ phá sản của Ukrainian International Airlines vào tháng 11/2023 ước tính hãng bay này nợ trên 20,5 tỷ hryvnia (540 triệu USD).
Song, giữa khó khăn vẫn có những hãng bay "sống sót" nhờ thay đổi mô hình. Một trong số đó là hãng SkyUp.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 18/3, ông Dmytro Seroukhov - Giám đốc điều hành SkyUp cho biết: “Sau khi xung đột với Nga bùng phát, chúng tôi phải xây dựng lại hoàn toàn mô hình kinh doanh”.
Sở dĩ hãng này có thể sớm thay đổi mô hình vì họ may mắn hơn các hãng bay khác ở chỗ khi chiến sự nổ ra, đa phần máy bay của hãng nằm ở nước ngoài. chỉ có duy nhất 1 chiếc bị mắc kẹt ở sân bay Boryspil, thủ đô Kiev và công ty đã tìm cách để đưa về vào tháng 4/2023. "Đây là hoạt động đặc biệt, đòi hỏi hàng trăm người, nhiều bộ ngành của Ukraine cũng như quân đội và cơ quan tình báo quân sự" - ông Seroukhov nói.
Nhờ đó, hãng đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ vận hành chuyến bay sang cung cấp máy bay, phi hành đoàn, bảo trì, bảo hiểm cho các nhà vận hành nước ngoài. Trong ngành công nghiệp hàng không, mô hình này có tên gọi ACMI.
Theo ông Seroukhov, SkyUp bắt đầu phát triển mô hình ACMI vào năm ngoái. Hiện mô hình này đã đem lại 70% doanh thu của SkyUp và giúp hãng bay Ukraine trở thành một trong số 20 nhà vận hành mô hình ACMI lớn nhất tại châu Âu. Trong năm 2023, SkyUp vận chuyển 1,5 triệu hành khách, tăng nhẹ so với con số 1 triệu hành khách vào năm 2022.
Trước khi xung đột với Nga bùng phát, công ty thành lập vào năm 2018 này là hãng hàng không phát triển nhanh nhất Ukraine và đã vận chuyển con số kỷ lục hơn 2,57 triệu hành khách tới 50 điểm đến vào năm 2021.
Tìm cơ hội kinh doanh tại nước ngoài
Trong bối cảnh không phận nội địa đóng cửa, nhiều hãng bay nhỏ của Ukraine đã áp dụng mô hình của SkyUp và tìm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài.
Theo trang thông tin Avianews, hãng hàng không quy mô nhỏ Windrose của Ukraine đã thành lập trung tâm vận hành tại nước láng giềng Moldova và vận hành chuyến bay cho hãng hàng không Moldova Flyone.
Một hãng hàng không nhỏ khác của Ukraine là Skyline Express Airline thông báo đã vận hành chuyến bay tại Ba Lan và các nước Baltic từ tháng 3/2023.
Về giải pháp của chính quyền Ukraine nhằm hỗ trợ ngành hàng không nước nhà, một số quan chức Ukraine hé lộ Kiev đang có kế hoạch mở lại một phần không phận.
Mới nhất, Phó thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết chính phủ nước này đang tham vấn với các nhà quản lý hàng không của Mỹ và châu Âu nhưng cũng nhận định đây là quá trình hết sức phức tạp.
Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, khẳng định giới chức Ukraine đang nỗ lực mở cửa trở lại một sân bay nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.
Ông Seroukhov thuộc hãng bay SkyUp lo ngại khi không phận Ukraine được mở lại, ngành hàng không nước này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
“Khi không phận mở lại, chúng tôi chắc chắn sẽ thiếu trầm trọng nhân lực, đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không”, ông Seroukhov nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận