Thế giới giao thông

Các hãng hàng không ồ ạt tháo chạy khỏi Venezuela

17/08/2017, 10:25

Các hãng hàng không quốc tế đang “tháo chạy” khỏi Venezuela vì lo ngại tình hình bất ổn...

22

Các hãng hàng không quốc tế đang tháo chạy khỏi Venezuela vì sự bất ổn và sụp đổ kinh tế tại nước này

Lũ lượt rời khỏi Venezuela

Jeanne Costes, khách du lịch người Pháp, 26 tuổi từng bị kẹt tại Thủ đô Caracas, Venezuela trong gần 1 tuần. Cô gái trẻ xuất phát từ Paris trên một chuyến bay chuyển tiếp tới Bogota, Colombia. Tuy nhiên, hãng hàng không Avianca của Colombia ra thông báo hoãn các chuyến bay ở Venezuela ngay sau khi cô quá cảnh tại Caracas.

Một tuần chờ đợi, ở một thành phố lạ lẫm, nhiều đêm liền Costes sống trong tâm trạng hoảng sợ vì nghe tiếng người biểu tình và cảnh sát chống bạo loạn hoạt động rầm rập bên ngoài. Các cuộc biểu tình này khiến gần 130 người thiệt mạng chỉ trong 4 tháng.

Sau đó, cô được lên một hãng hàng không khác để về nhà. Chia sẻ với AFP, Costes tức giận nói: “Chúng tôi muốn kiện Air France (hãng cung cấp chuyến bay chặng nối tiếp Paris - Caracas) và Avianca vì họ biết rất rõ chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng tôi ở đó nhưng không làm gì”.

Sự cố của Costes chỉ là trường hợp điển hình mà hàng nghìn hành khách quốc tế khác có chuyến đến/đi/quá cảnh ở Venezuela đã và đang phải đối mặt.

Thực tế, các hãng hàng không nước ngoài bắt đầu rút khỏi Venezuela khi nền kinh tế của nước này trượt dốc vì giá dầu bắt đầu sụt giảm - ngành xuất khẩu cũng là một trong những trụ cột quan trọng nhất của Venezuela.

Từ khi khó khăn bắt đầu ập đến, nước này chứng kiến nguồn USD cạn kiệt, các hãng hàng không bị kẹt số tiền lên tới 3,8 tỉ USD tại Venezuela - theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế. Vì không có cách nào đưa tiền trở về nên từ năm ngoái hầu hết các hãng hàng không không bán vé bằng tiền bolivar của Venezuela mà yêu cầu khách dùng USD - một nguồn tin hàng không cho biết.

Một số hãng hàng không khác chọn cách đơn giản là rút khỏi nước này. Trong giai đoạn 2014-2015, các hãng hàng không: Air Canada, Aeromexico, Alitalia, LAN từ Chile, TAM và Gol của Brasil, Tiara từ Aruba bắt đầu hạn chế dịch vụ. Năm ngoái, hãng hàng không Dynamic từ Mỹ và Lufthansa của Đức cũng “nối gót” các hãng trên.

Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có thêm Avianca, Delta và United rút khỏi Venezuela để tránh rủi ro. Mới đây nhất, hãng hàng không Aerolineas Argentinas bắt đầu hạn chế số chuyến bay từ ngày 9/8 và sẽ đánh giá, quyết định có khai thác các chuyến bay tới Caracas hay không theo từng tuần.

Hàng loạt hãng hàng không hạn chế hoạt động hoặc rút hẳn “vì tuyến bay đó đã không còn mang lại đủ lợi nhuận để đánh đổi rủi ro”, ông Humberto Figuera, Chủ tịch Hiệp hội Hãng hàng không Venezuela trao đổi với AFP.

Ngoài vấn đề lợi nhuận, một số lý do khác khiến các hãng hàng không phải dừng dịch vụ và rời khỏi Venezuela là rủi ro nhân viên có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng, trộm cắp hành lý, tình hình bảo trì đường băng yếu kém, chất lượng nhiên liệu máy bay thấp... "Phi công của hãng hàng không Air Europa (Tây Ban Nha) yêu cầu hãng không xếp các chuyến để họ phải qua đêm tại Thủ đô Caracas do lo ngại vấn đề an toàn. Đã có hãng hàng không Iberia phải sắp xếp cho phi hành đoàn qua đêm tại Cộng hòa Dominica vì lý do trên", ông Figuera nói.

Giá vé, thuế dịch vụ phi mã

Những diễn biến trên đồng nghĩa số lượng ghế chuyến bay rời khỏi Venezuela có sẵn đã giảm 1/3 kể từ năm 2013 và ngày càng đắt đỏ, giá tăng gần gấp đôi so với giá vé tới các hãng hàng không lân cận. Công ty Copa của Panama vẫn duy trì hãng hàng không thực hiện hầu hết các chuyến bay như bình thường.

Ông Figuera cho biết, mặc dù các hãng hàng không lo ngại nhưng không có vấn đề gì với tình hình kiểm soát không phận của Venezuela, điều kiện đường băng hay nguồn cung nhiên liệu máy bay.

Tuy nhiên, các loại thuế mà hãng hàng không phải nộp để sử dụng sân bay hoặc bay qua không phận Venezuela đã tăng cao đáng kể so với các nước trong khu vực.

Ông Henry Harteveldt, nhà phân tích ngành Du lịch, đứng đầu Tập đoàn Nghiên cứu Atmosphere nhận định: “Tình hình hiện tại đang vô cùng khó khăn và có thể diễn biến xấu...”. Ông Andrew Charlton đến từ Công ty Cố vấn Aviation Advocacy cho biết, không có vị Giám đốc điều hành (CEO) của hãng hàng không nào muốn đặt mạng sống của nhân viên họ vào hiểm nguy hoặc mạo hiểm đưa những chiếc máy bay trị giá hàng chục nghìn, có thể là hàng trăm, hàng triệu USD tới những nơi có bất ổn về chính trị xã hội”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.