Các trang sách nói lậu với nhiều thể loại sách vẫn hoạt động mạnh |
Bất công với NXB
Những ngày qua, sự việc Câu lạc bộ sách Sài Gòn (Chibooks và Huy Hoàng Bookstore) làm đơn lên Hội Xuất bản Việt Nam đã gây sự chú ý của dư luận. Các đơn vị này phản ánh hành vi công khai tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói không bản quyền từ tối 7/7/2017 của Công ty Yeah1 Network. Sau khi vấp phải sự phản đối của nhiều nhà sách, phía Yeah1 Network giải thích họ tuyển cộng tác viên để thu âm và lưu hành nội bộ 1.000 ấn bản. Tuy nhiên, phía CLB sách Sài Gòn không chấp nhận vì lưu hành nội bộ vẫn là xâm phạm bản quyền. Cuối cùng, đại diện Yeah1 Network đã lên tiếng xin lỗi và cam kết sẽ xóa bỏ thông tin tuyển cộng tác viên đọc sách, xóa group đọc sách. Một lần nữa, vấn nạn vi phạm bản quyền sách lại trở nên nóng hổi.
"Các cơ quan về bản quyền của chúng ta chưa nhiều kinh nghiệm, tính pháp lý về vấn đề này cũng chưa cao. Chưa kể, chính các tác giả cũng chưa có ý thức cao về vấn đề bản quyền của mình. Số người viết ở Việt Nam rất đông nhưng số người đăng ký bản quyền với các trung tâm bản quyền văn học không nhiều. Nhiều người thậm chí thấy sách của mình được đọc lên, được đưa lên mạng lại thấy vui. Điều đó vô tình tiếp tay cho những kẻ muốn ăn cắp bản quyền có thể lợi dụng điều này để trục lợi”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Chống phá hành vi audio book lậu trở nên khó khăn khi những trang web, ứng dụng cho phép nghe trực tuyến hoặc tải vẫn điềm nhiên hoạt động. Từ khosachnoi, radioplus, sachnoionline… đều chứa hàng nghìn cuối sách đủ mọi thể loại như: Văn học, khoa học, sức khỏe, gia đình. Ngay trên Youtube, audio book cũng không ngoại trừ cả nghìn bản được cập nhật thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt xác nhận, trong những năm qua, khoảng 400 đầu sách của công ty ông đã bị làm audio, ebook, PDF lậu để đăng tải lên các trang web. Đặc biệt, những cuốn sách bản quyền như: Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Bí mật của may mắn, Quà tặng diệu kỳ… bị làm lậu nhiều nhất trên cả sách giấy lẫn sách điện tử.
“Họ cắt ra thành những đoạn nhỏ để thu âm hoặc nhiều chỗ thu âm cả cuốn sách rồi đăng tải và thu tiền bất chính từ người nghe. Điều này rất bất công với các NXB. Không chỉ khiến chúng tôi tổn hại về uy tín mà còn thiệt hại về vật chất. Bị sao chép, làm lậu khiến chúng tôi lỗ hàng tỷ đồng doanh thu mỗi năm”, ông Phước bức xúc.
Không nằm ngoài nỗi lo lắng ấy, NXB Kim Đồng cũng bị “chôm” các đầu sách như: Hoa dại, Khúc hát vườn trầu, Tìm mẹ… được thu âm và đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội. Hàng loạt cuốn sách của NXB Trẻ, NXB Phụ nữ, NXB Tổng hợp TP HCM cũng cùng chung số phận trên.
Khó kiểm soát
Theo ông Bùi Tuấn Nghĩa, Phó giám đốc NXB Kim Đồng, mỗi khi phát hiện sách của mình bị làm lậu trên mạng xã hội, đơn vị ông thường chỉ gửi văn bản yêu cầu các trang web lậu gỡ xuống chứ chưa bao giờ khởi kiện. Tuy nhiên, không phải trang web lậu nào sau đó cũng đều gỡ sách xuống. Ông Nghĩa thừa nhận, việc kiểm soát và kiểm tra audio book lậu thực sự rất khó vì có quá nhiều trang mạng xã hội, phía đơn vị không đủ nhân lực để thực hiện và bám sát nên đành chấp nhận “sống chung với lũ”. “Cũng bởi không kiểm soát được nên khó có thể đánh giá mức độ thiệt hại vật chất lên tới chừng nào”, ông Nghĩa than thở.
Cũng có cách xử lý tương tự nhưng Giám đốc Công ty First News Nguyễn Văn Phước cho hay, công ty ông sẽ khởi kiện các đơn vị làm audio book lậu sau 3 lần gửi thông báo yêu cầu gỡ xuống bất thành. Thực tế, First News đã bắt đầu gửi các thông báo yêu cầu các trang web lậu gỡ sách xuống cách đây một năm, nhưng kết quả chưa khả quan. Nhiều trang web lậu vẫn ngang nhiên lộng hành. Theo ông Phước, ngoài việc trông mong vào ý thức của các đơn vị làm sách lậu, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát, cũng như có chế tài xử phạt thật mạnh để có thể đảm bảo chất xám và sự sáng tạo của những người làm sách chân chính, bảo vệ quyền lợi của những người làm kinh doanh sách. Bởi như lời ông Phước: “Kiểm soát audio book lậu thực sự rất khó, nhưng kiên quyết vẫn có thể làm được”.
Trước tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền sách diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam vừa ra thông báo đề nghị các đơn vị xuất bản, phát hành sách phối hợp, chia sẻ các bài phát hiện vi phạm để phản ánh rộng rãi trên facebook, website… tạo tiếng nói mạnh mẽ phản ánh tình trạng này. Đồng thời, nếu đơn vị nào phát hiện những tác phẩm, sách bị xâm hại bản quyền cần phản ánh ngay về văn phòng hội để phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tìm ra biện pháp đấu tranh và xử lý thích hợp.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn thông tin, Hội Nhà văn sẽ thúc đẩy thật mạnh Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, yêu cầu rà soát rộng hơn về vấn đề vi phạm bản quyền, bảo vệ quyết liệt hơn cho các tác giả có đăng ký ủy quyền bản quyền cho trung tâm. Tuy nhiên, vấn đề làm sách lậu diễn biến phức tạp nên cần sự chung tay của không chỉ cơ quan chức năng mà còn của chính các tác giả.
Còn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ chia sẻ ngắn gọn, Cục vẫn đang thực hiện thanh, kiểm tra mảng sách điện tử nên bây giờ chưa thể đưa ra kết luận gì.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận