Cảnh sát có vũ trang tuần tra khu vực giao thông công cộng tại Anh |
Vụ nổ được cho là tấn công khủng bố xảy ra tại nhà ga tàu điện ngầm ở trung tâm Manhattan, New York (Mỹ) khiến ít nhất 3 người bị thương vào tối 11/12 (theo giờ VN) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro của hệ thống giao thông công cộng, trở thành mục tiêu bị tấn công khủng bố trên quy mô toàn thế giới.
2.500 vụ tấn công tàu, xe buýt
Vụ nổ xảy ra ở ga tàu điện ngầm gần Quảng trường Thời Đại lúc 7h25 sáng 11/12 theo giờ địa phương. Theo ABC News, Cảnh sát New York cho biết, vụ nổ khiến ít nhất 3 người bị thương. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một nghi phạm, đồng thời xác định vật liệu gây nổ có thể là một quả bom ống tự chế.
Nghi phạm là một người đàn ông 27 tuổi có tên Akayed Ullah, gốc Bangladesh và đã sinh sống ở Mỹ khoảng 7 năm, được cho là kẻ tấn công nghiệp dư.
Ullah mặc trang phục gắn thiết bị có dây điện. Theo lời khai ban đầu, nghi phạm thực hiện vụ tấn công vì bị tác động bởi sự kiện gần đây ở Jerusalem khi chính quyền Tổng thống Trump công nhận đây là Thủ đô của Israel. Cảnh sát xác nhận đây có thể là một vụ tấn công khủng bố.
Vụ việc trên điển hình cho hàng loạt vụ khủng bố nhằm vào hệ thống giao thông công cộng đang diễn biến gia tăng không chỉ tại Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, những phần tử có tư tưởng cực đoan Hồi giáo người Algeria đã giật ngòi nổ loạt bom trên tàu điện ngầm Paris khiến 8 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương.
Năm 1995, một đối tượng khác bị ám ảnh vì ngày tận thế đã phóng khí độc sarin trên tàu điện ngầm Tokyo, giết hại 12 người và làm 5.000 người khác bị thương.
Gần gây, một vụ đánh bom xảy ra năm 2005 nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm London đã cướp đi sinh mạng của 52 người. Một vụ tấn công dã man khác trên tàu điện ở Madrid (Tây Ban Nha) vào năm 2004 khiến 192 người thiệt mạng. Tháng 4 năm 2017, Nga cũng chứng kiện một vụ đánh bom tàu điện ngầm ở St. Petersburg làm 14 người chết, 51 người bị thương.
Ngoài tàu điện ngầm, xe buýt, sân bay cũng là mục tiêu hấp dẫn những kẻ tấn công khủng bố. Điển hình là vụ tấn công khủng bố gây chấn động xảy ra ngày 24/1/2011, bên trong sảnh đến của sân bay quốc tế Domodedovo ở Moscow, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất Đông Âu, khiến 37 người thiệt mạng và 172 người bị thương.
Hay vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng tại sân bay Ataturk, TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/6/2016, cướp đi sinh mạng của ít nhất 42 người và khiến hàng trăm người khác bị thương.
Nhưng trong số hệ thống giao thông, phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện dễ trở thành mục tiêu tấn công hơn ở sân bay hay trên máy bay.
Nguyên nhân do các phương tiện này khó đảm bảo an ninh hơn. Không giống như ở sân bay (hầu hết đều có các điểm kiểm tra an ninh và túi xách), xe buýt và tàu điện dễ trở thành mục tiêu chết chóc. Trong khi đó, đây lại là những phương tiện chuyên chở lượng lớn người, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Đó chính là lý do vì sao kể từ năm 1970, trên toàn thế giới xảy ra 2.500 vụ tấn công tàu, xe buýt, phà chở khách. Trong đó, có ít nhất 387 vụ tấn công nhằm vào tàu điện, xe buýt phà chở khách tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Nam Á chứng kiến 1.287 vụ tấn công hệ thống vận tải công cộng và Trung Đông chứng kiến 801 vụ. Trong đó, tàu, sân ga là các mục tiêu phổ biến nhất.
Đáng chú ý, các vụ tấn công nhằm vào môi trường kín như tàu điện ngầm lại càng đáng ngại hơn. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê: Tại châu Âu, khoảng 75% thương vong từ các vụ khủng bố đều diễn ra tại các sân ga tàu điện ngầm, trong khi số vụ tấn công tại đây chỉ chiếm 13%. Các vụ khủng bố nhằm vào hệ thống giao thông công cộng đang tăng tại châu Âu và Mỹ.
Những phương pháp siết an ninh, phòng khủng bố
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người dân và nhân viên trên hệ thống giao thông bất lực trước rủi ro của chủ nghĩa cực đoan. Thực tế, trong số 300 vụ tấn công trên toàn thế giới, thiết bị gây án đã được phát hiện trước khi phát nổ. Cụ thể, số vụ do nhân viên vận tải phát giác chiếm 11%, hành khách phát hiện 17%, cảnh sát hoặc quân đội phá án chiếm 15%.
Ngoài ra, các thành phố trên thế giới cũng triển khai các chiến lược an ninh khác để đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi có hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất thế giới với 10 triệu hành khách di chuyển/ngày, giới chức ra quy định bắt buộc hành khách phải xếp hàng để kiểm tra an ninh như tại sân bay.
Quy định này được áp dụng sau vụ tấn công khủng bố năm 2014. Bên cạnh đó, giới chức triển khai trực thăng chụp ảnh giám sát từ trên cao, đưa lực lượng cảnh sát có trang bị súng tuần tra liên tục.
London, Anh cũng đã và đang xây dựng hệ thống hạ tầng chống khủng bố hàng đầu. Đơn cử, thành phố thủ phủ gần như loại bỏ hết thùng rác bằng kim loại có thể gây sát thương chết người nếu bị đặt bom bên trong, đặc biệt là ở khu vực tàu điện ngầm. Thay vào đó, London dùng túi nhựa trong suốt để dễ phát hiện bom và ít nguy hiểm nếu phát nổ.
Israel đang sử dụng hệ thống phát hiện kim loại và máy X-ray tại một số sân ga xe buýt. Thậm chí, xe buýt tại đây còn được sản xuất bằng vật liệu chống đạn. Một số được trang bị thêm hệ thống theo dõi GPS và camera để quan chức quân đội phát hiện bất cứ khi nào xảy ra trường hợp khẩn cấp.
Tại Mỹ, các thành phố đã siết chặt an ninh tại sân bay và trên các phương tiện vận tải công cộng. TP New York đã triển khai thêm sĩ quan cảnh sát, binh lính bang tuần tra các điểm vận tải đông đúc; điều tra, rà soát bằng tia X và kiểm tra túi hành khách đột xuất. Thủ phủ Washington DC thì triển khai thêm đội tuần tra để phát hiện rủi ro khủng bố, thay thế thùng rác tại tàu điện ngầm bằng thùng rác chống bom.
Tàu điện Washington cũng thực hiện thử nghiệm khói để nghiên cứu dòng chảy không khí bên trong hệ thống tàu điện ngầm, lắp đặt máy phát hiện chất hóa học có thể gây cháy nổ trong các sân ga tàu điện để cảnh báo sớm trước khi xảy ra tấn công.
Các thành phố khác của Mỹ như: Chicago, Los Angeles… cũng sử dụng các kỹ thuật tương tự. Đặc biệt, người tham gia giao thông tại Mỹ được khuyến cáo cần phải nhớ: “Nếu nhìn thấy điều gì khả nghi, hãy lập tức lên tiếng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận