Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hiệp Hòa rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với 15 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh (F1).
Cơ quan chức năng cũng đã làm rõ, từ ngày 25 đến 28/6, ca bệnh dương tính trên địa bàn là Mong Thị B (SN 2006, ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) và một người bạn cùng quê là Moong Thị S (SN 2006) đã ở chung phòng tại ký túc xá tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, Nghệ An với Pịt Thị C (rạng sáng 5/7, C đã tử vong do mắc bệnh bạch hầu).
Ngày 1/7, B và S bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh. Từ ngày 2 đến 5/7, B và S có mặt tại 4 quán karaoke trên địa bàn các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa) và quán karaoke 1990 ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Qua lấy mẫu xét nghiệm, chiều 7/7, cơ quan chuyên môn xác định B dương tính với bệnh bạch hầu, được chuyển ra Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2) điều trị. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm đối với B, CDC tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, UBND các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh.
Đến nay, cơ quan chức năng xác định có 15 trường hợp F1, tập trung ở các xã: Hợp Thịnh, Mai Trung, Danh Thắng và Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa.
Hiện, những cá nhân này đã được cách ly, theo dõi sức khỏe tại Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa. Các nhân viên y tế tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho những người tiếp xúc gần với B trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh xác định.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận