Dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003
Tại tọa đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?", diễn ra sáng nay, 6/2, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định:
“Dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003. So sánh có thể thấy, thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn, quy mô so với nền kinh tế thế giới rất rõ ràng dẫn đến tỉ lệ tác động cũng sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện rất quan trọng, tác động của bệnh dịch lần này sẽ làm các thị trường như nguyên liệu, sản xuất, lao động sẽ bị xáo trộn”.
Đề cập tới lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt Nam bị ảnh hưởng do dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Bagico cho hay: "Phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là 3 loại trái cây dưa hấu, thanh long và mít. Các loại trái cây này khi xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu tập trung tại chợ buôn Giang Nam, Quảng Châu hiện dự kiến đóng cửa đến hết ngày 9/2. Nhiều xe hàng nông sản Việt hiện bị ngừng trệ ở cửa khẩu, thậm chí phải quay đầu do các bãi cửa khẩu không đủ năng lực cung cấp điện để bảo quản hàng hóa.
Do đó, ngay cả khi cửa khẩu mở cửa thông thương nhưng những chợ buôn tại Trung Quốc chưa hoạt động thì các xe hàng của Việt Nam cũng chỉ thay đổi cảnh ùn ứ ở cửa khẩu bên này sang ùn tắc ở cửa khẩu bên kia”.
Theo bà Thực, khác với đường bộ, hiện Trung Quốc vẫn tiếp nhận hàng qua đường biển, song không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có sự chuẩn bị và đủ kinh nghiệm để thực hiện. “Dù chi phí xuất khẩu bằng đường bộ rất cao nhưng tốc độ thông quan, thời gian từ khâu đóng gói bảo quản hàng hóa đến xuất hàng được rút gọn, khác với xuất khẩu bằng đường biển tốn nhiều thời gian và công đoạn chuẩn bị hơn, gây thiệt hại hơn cho hàng nông sản”, bà Thực cho biết.
Mỗi lái xe vào vùng dịch là 1 chiến sĩ xung kích trên mặt trận XNK
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh virus Corona diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sự giao thương, bà Thực kiến nghị: “Cần coi những lái xe đã, đang và sẽ phải chở hàng đi qua bên kia biên giới và mang nguyên liệu quay trở lại trong nước như những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận xuất nhập khẩu. Bởi lẽ họ chấp nhận đi vào vùng dịch có nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân và gia đình, để góp phần lưu thông hàng hóa. Thế nhưng nhìn lại tại cửa khẩu, chúng ta đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ dịch bệnh cho lái xe hay chưa?”.
Ngoài ra, cũng theo vị Chủ tịch Bagico, với quy định cách ly 14 ngày đối với những người nhập cảnh từ Trung Quốc, có thể cũng gây khủng hoảng thiếu đối với đội ngũ lái xe. “Lái xe chở hàng sang Trung Quốc và quay trở lại cũng bị coi là đối tượng cần phải cách ly. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi làm sao có thể xoay sở tuyển bù lực lượng lái xe chuyên nghiệp nhiều như thế để lưu thông hàng hóa?”, bà Thực nêu vấn đề và kiến nghị cơ quan chức năng về dịch tễ tại vùng biên giới có giải pháp hỗ trợ kiểm tra test nhanh đối với tài xế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận