Đầu tư công được xác định là động lực của tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước mới đạt 36,71%, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).
Nguyên nhân là gì và đâu là giải pháp thúc đẩy? Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT
Tới thời điểm này, ông đánh giá thế nào về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước?
So sánh với cùng kỳ năm 2020, tốc độ giải ngân 7 tháng đầu năm đạt thấp. Mới đây, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công…
Với các giải pháp đã được đề ra cộng với ý thức về vai trò của giải ngân đầu tư công, chúng tôi hy vọng các Bộ, ngành, địa phương sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện, đặc biệt trước mốc ngày 30/9/2021 là thời điểm đánh giá toàn diện tốc độ giải ngân đầu tư công, với mục tiêu đặt ra phải đạt 60%.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến 7 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp như vậy?
Ngoài những vấn đề cũ còn tồn lại, năm nay lại thêm những yếu tố mới. Trong khi quý III/2021, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 thì thời điểm này vào năm 2020 lại là lúc phục hồi.
Cũng cần phải nhắc lại đặc thù 2020 là năm cuối cùng kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2015 - 2020, tâm lý chung từ chủ đầu tư tới nhà đầu tư cố gắng phấn đấu hoàn thành trước khi bước sang chu kỳ kế hoạch mới.
Ngược lại, 2021 là năm đầu tiên của kỳ kế hoạch 2021 - 2025, do đó những tháng đầu năm, chủ yếu thực hiện những phần việc chuyển tiếp của giai đoạn trước; hầu hết những dự án mới thì chưa thực hiện được, bởi còn phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch vốn.
Năm nay, dịch Covid-19 lan trên diện rộng, số địa phương phải thực hiện giãn cách nhiều hơn, việc triển khai các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, vấn đề tăng giá nguyên liệu đầu vào khiến nhà thầu khó tìm được nguồn cung hoặc phương án tài chính bị ảnh hưởng trong quá trình thực thi hợp đồng.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian, vật chất vào công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, phần nào cũng gây ảnh hưởng đến đầu tư công.
Từ nay tới cuối năm, thời gian còn ít, Bộ KH&ĐT có giải pháp, hướng xử lý những khó khăn trong giải ngân vốn ra sao?
Đây là vấn đề rất khó, bản thân Bộ KH&ĐT đã liên tục cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tìm cách tháo gỡ những vấn đề vĩ mô.
Đơn cử, hiện đã thành lập Tổ nghiên cứu xem xét tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công, nhưng rất khó có thể thực hiện ngay trong năm nay vì còn liên quan tới việc sửa đổi quy định pháp luật.
Thứ hai, chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP, giảm nhiều thủ tục hành chính trong việc điều chỉnh dự án ODA, hy vọng sẽ có tác động trong những tháng cuối năm và đầu năm 2022…
Tuy nhiên, để có giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy kết quả giải ngân ngay từ bây giờ, phụ thuộc rất nhiều vào công tác chỉ đạo điều hành thực hiện dự án tại các Bộ, ngành và địa phương.
Về phía các dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên dồn nguồn lực như thế nào trong các tháng cuối năm, thưa ông?
Đối với các dự án trọng điểm hay các công trình hạ tầng quy mô lớn, năm nay cơ bản không lo thiếu vốn và vẫn đang được triển khai tích cực mặc dù cũng gặp không ít khó khăn.
Đơn cử, vừa qua Bộ GTVT cũng đã có báo cáo một số tuyến cao tốc Bắc - Nam ở những địa bàn có dịch hoặc đang giãn cách gặp khó khăn về công nhân.
Tuy nhiên, qua số liệu rà soát 7 tháng vừa qua, các Bộ GTVT, NN&PTNT, Quốc phòng… hay các địa phương được giao vốn đầu tư lớn, phần thực hiện giải ngân khá tốt, “gánh đỡ” nhiều cho kết quả chung của cả nước.
Những nơi có tỷ lệ giải ngân thấp và gần như chưa thực hiện thì hầu hết lại là đơn vị có phần vốn ít, quy mô dự án công trình nhỏ.
Tính đến hết tháng 5/2021, Bộ GTVT đã giải ngân 13.516 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch và đang quyết liệt đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các tháng còn lại (Trong ảnh: Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu)
Chính phủ đã đưa ra thời hạn tới ngày 30/9, đơn vị nào giải ngân thấp dưới 60% sẽ bị điều chuyển vốn. Từ trước tới nay, việc điều chuyển vốn được thực hiện thế nào?
Việc điều chuyển vốn từ các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp đã được thực hiện từ năm 2019. Đặc biệt trong năm 2020, đã kiên quyết điều chuyển vốn ra khỏi đơn vị thực hiện không hiệu quả, bổ sung cho các đơn vị khác, với con số khoảng vài nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2020, khoảng 8.000 tỷ đồng vốn ODA không thực hiện điều chuyển được mà phải đề xuất giảm kế hoạch.
Do đó cũng cần lưu ý, bên cạnh 1 đơn vị điều chuyển giảm phải có 1 đơn vị xin tăng thì mới thực hiện động tác điều chuyển vốn. Còn trong bối cảnh không có đơn vị nào nhận thêm thì buộc phải hủy kế hoạch, hủy dự toán.
Lác đác từ tháng 7 tới nay, Bộ KH&ĐT cũng đã nhận được một số văn bản đề xuất từ Bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch. Tới ngày 30/9/2021, Bộ sẽ có báo cáo tổng thể tới Chính phủ về kết quả giải ngân, bên cạnh đó, cũng đưa ra kế hoạch điều chuyển vốn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và phê duyệt.
Việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi giải ngân đầu tư công không đạt mục tiêu cũng đã được Thủ tướng chỉ đạo. Vậy, vấn đề này có được Bộ KH&ĐT đưa vào báo cáo?
Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu cũng cần rà soát kỹ, nếu do lý do khách quan thì cũng khó có thể quy kết. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tính toán yếu tố hiệu quả trong điều hành tổng thể kinh tế - xã hội.
Do đó, đối với từng trường hợp cụ thể sẽ có các cơ quan chức năng xem xét và đưa ra kiến nghị xử lý.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận