Lập kế hoạch chưa sát, có tiền cũng không tiêu được
Ngày 30/10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình KTXH, ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đã phân tích về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Theo TS kinh tế Hoàng Quang Hàm, 9 tháng đầu năm 2019 giải ngân còn thấp hơn so với cùng kỳ 2018, đạt 49% kế hoạch, trái phiếu CP đạt 23%; vay nước ngoài 18,8%, là quá thấp. Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, đã diễn ra nhiều năm nay với xu hướng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước; năm 2018 thấp nhất so với 6 năm về trước.
“Báo cáo của Chính phủ giành gần 6 trang để phân tích nguyên nhân, tôi tán đồng cao. Nhưng theo tôi đầu tiên là phải khắc phục yếu kém trong công tác lập, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.
Theo ông Hàm, luật đầu tư công cũ và mới đều qui định khi trình Quốc hội phải có danh mục mức vốn cho từng dự án nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Việc thiếu danh mục mức vốn cho thấy đến tháng 10 của năm trước năm kế hoạch chưa biết sẽ phân bổ cho dự án nào, bao nhiêu tiền đương nhiên sẽ chậm trễ trong phân bổ, giao vốn và tất yếu dẫn đến giải ngân vốn chậm. Đồng thời tạo một khoảng tối, không minh bạch trong phương án trình, thiếu căn cứ để Quốc hội thảo luận.
Nhiều công trình thiếu vốn trong khi nhiều công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn cho thấy lập kế hoạch không sát, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đặc biệt lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết.
Ông Hàm cho biết, chính công tác chuẩn bị đầu tư và dự án khởi công mới trải qua nhiều bước, cần nhiều thời gian, đây là yêu cầu tất yếu để bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư nhưng dự báo thời gian cần thiết không sát để lập kế hoạch, đặc biệt là vốn ODA, vốn các công trình quan trọng quốc gia nên giao kế hoạch, có tiền nhưng không giải ngân được.
“Cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm. Trình danh mục và mức vốn của từng dự án là Luật định và cần thiết để Quốc hội thảo luận, quyết nghị định hướng, nguyên tắc, giao cho Chính phủ rà soát, quyết định nên Chính phủ cần quan tâm thực hiện ít nhất là đối với vốn ngân sách Trung ương. Vẫn là Chính phủ quyết định nhưng phải trình để Quốc hội thảo luận”, ông Hàm đề xuất.
Cơ chế lập, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công thiếu linh hoạt
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội về kế hoạch đầu tư công năm 2019, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 192,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45,1% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,13% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do cơ chế lập, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm còn thiếu linh hoạt, việc điều chỉnh kế hoạch hằng năm phải báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 75 Luật Đầu tư công đã hạn chế tính chủ động của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư hàng năm sát với thực tế. Công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập liên quan đến thẩm định thiết kế, định mức đơn giá xây dựng chậm được cập nhật...., phải điều chỉnh quy hoạch dẫn đến một số dự án chậm được phê duyệt quyết định đầu tư.
Theo quy định của Luật Xây dựng, các dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công (ngay cả dự án không vướng mắc giải phóng mặt bằng). Thời gian này thường mất từ 6 đến 8 tháng, do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập đến nhà một “nút thắt lớn” đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Về chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc chậm giải ngân còn có nguyên nhân đến từ việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư vốn chưa sát với khả năng thực hiện của từng dự án. Chính vì nguyên nhân này dẫn đến việc không phân bổ hết được số vốn kế hoạch năm giao. Nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng thực hiện dẫn đến không giải ngân được.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc đến nguyên nhân chậm gao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương làm cho các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai kế hoạch. “Theo quy định của Luật Đấu thầu, sau khi được giao vốn, các dự án mới có thể triển khai các bước lựa chọn nhà thầu (tư vấn, thiết kế, thi công...); vì vậy, việc giao kế hoạch vốn chậm ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án” - Bộ trưởng nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận