Quản lý

Cách nào giải ngân hơn 94.000 tỷ vốn giao thông?

21/02/2023, 13:30

Năm 2023, tổng số vốn phải giải ngân của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao lên đến 94.161 tỷ, gấp 1,7 lần năm ngoái và 2,2 lần năm 2021.

Khối lượng giải ngân khổng lồ này đòi hỏi các Ban QLDA, đơn vị thuộc Bộ phải đổi mới cách làm, đổi mới mô hình quản lý, nếu không sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch.

Tách bạch vai trò, tăng quyền chủ động

Hơn 3 tháng kể từ khi tiếp tục được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 vẫn tất bật với hàng chục cuộc họp tìm giải pháp cho mô hình tổ chức, quy trình quản lý của đơn vị.

img

Tổng số vốn phải giải ngân của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 lên đến 94.161 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm ngoái và 2,2 lần năm 2021 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn QL45 - Nghi Sơn). Ảnh: Tạ Hải

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn Ban QLDA 2 được Bộ GTVT giao khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2022. Khối lượng vốn lớn đòi hỏi khả năng hấp thụ lớn, hiệu quả công việc phải được nâng lên gấp nhiều lần.

“Muốn làm được, đơn vị QLDA, nhà thầu phải đổi mới cách làm. Các Ban QLDA phải tách bạch vai trò chủ đầu tư và quản lý dự án để hỗ trợ nhà thầu triển khai các hạng mục công trình tốt nhất, nghiệm thu thanh toán nhanh nhất”, ông Thắng nói.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2023, tổng số kế hoạch Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).
Theo nhóm các chủ đầu tư/Ban QLDA, các đơn vị thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các đơn vị khác được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).
Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao năm 2023); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%); các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 tỷ đồng (chiếm 22,3%).

Ban QLDA 2 định hướng sẽ đề xuất đưa Ban QLDA đến hiện trường. Ban điều hành dự án ở hiện trường sẽ được phân giao nhiệm vụ như chức năng của một đơn vị QLDA.

Từ thiết kế bản vẽ thi công, phê duyệt hạng mục kỹ thuật phát sinh trong phạm vi hợp đồng ký kết, nghiệm thu cơ sở… lãnh đạo Ban điều hành có thể phê duyệt, không phải trình lên lãnh đạo Ban chấp thuận (hoặc trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận trong trường hợp vượt thẩm quyền) như hiện tại.

“Với vai trò chủ đầu tư, lãnh đạo Ban, các phòng chuyên môn (Kế hoạch, Kỹ thuật - Thẩm định; Tài chính; Văn phòng) sẽ chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện hợp đồng; rà soát các thay đổi thiết kế ngoài phạm vi hợp đồng, công tác lựa chọn nhà thầu…”, ông Thắng chia sẻ.

Theo lãnh đạo Ban QLDA 2, nếu tách bạch được vai trò, việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các đơn vị QLDA sẽ tối ưu thời gian, đẩy nhanh tiến độ thi công và tiến độ giải ngân các dự án.

Đơn cử, tại dự án nâng cấp QL19 quá trình thi công phát sinh khu vực phải xử lý nền đất yếu, vượt quá thẩm quyền quyết định, Ban QLDA 2 phải báo cáo Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.

Quy trình thủ tục sẽ trải qua các bước như: Tư vấn, nhà thầu, văn phòng dự án phải xác nhận, lập lệnh thay đổi trình Ban QLDA rà soát.

Sau khi hồ sơ xin chủ trương được trình lên Bộ GTVT, cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định tại hiện trường. Kết quả đánh giá, thống nhất được đưa ra, Bộ GTVT thường ủy quyền cho Ban QLDA làm thủ tục chấp thuận, ký hợp đồng phê duyệt. Tổng thời gian thực hiện thủ tục mất khoảng 15 ngày.

Với mô hình mới, Ban điều hành có thể làm nhiệm vụ rà soát, trình Ban QLDA (với vai trò chủ đầu tư) xem xét, kiểm tra, chấp thuận ký hợp đồng thay đổi. Thời gian thực hiện có thể rút ngắn được 1/3 so với trước.

Không để “tay trái trình, tay phải duyệt”

Được giao nhiệm vụ chủ đầu tư 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và là đại diện chủ đầu tư một số dự án giao thông khác như: Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị nút giao Mai Dịch, xây dựng cầu vượt Ninh Cường trên QL37B… ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, đơn vị này cũng đang nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT phương án thích ứng khi sắm hai vai.

“Việc thay đổi theo định hướng tách biệt từng khâu, người trình dự án tách biệt với người thẩm định. Không còn tình trạng “tay trái trình, tay phải thẩm định”, phó phòng trình, trưởng phòng duyệt như một số dự án Ban QLDA Thăng Long từng được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đầu tư”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, ngày 15/5/2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 642 về quy chế tổ chức hoạt động của Ban QLDA. Thực hiện quyết định này, mô hình các Ban QLDA đã được định hướng thích ứng với vai trò chủ đầu tư với cơ cấu các ban gồm có 4 phòng nghiệp vụ (Văn phòng, Kế hoạch, Tài chính, Kỹ thuật - Thẩm định) và tối đa 6 phòng dự án.

Từ thực tiễn đã triển khai, Ban QLDA Thăng Long định hướng thời gian tới, cấp trình dự án sẽ là Phòng dự án hoặc Ban điều hành dự án. Ở cấp phòng QLDA được thành lập thêm Ban điều hành dự án, chức năng tương tự như một Ban QLDA. Một phòng có thể quản lý nhiều dự án và lập nhiều Ban điều hành.

Giai đoạn triển khai thi công, Ban điều hành dự án sẽ chịu trách nhiệm chủ trì hết các vấn đề liên quan đến hợp đồng, bản vẽ thi công, tiến độ, chất lượng… Những vấn đề không cần phải phê duyệt điều chỉnh hợp đồng (không có thay đổi so với hợp đồng ban đầu) đều có thể tự quyết.

Đối với thủ tục nghiệm thu, làm phiếu giá, ký xác nhận, lãnh đạo Ban điều hành đều có thể ký thừa lệnh, sau đó chuyển lên phòng Tài chính làm thủ tục chuyển hồ sơ ra ngân hàng, không phải trải qua quá trình thẩm định, xem xét của Tổ chuyên môn tại Ban QLDA như hiện nay. Thời gian giải quyết một bộ hồ sơ nghiệm thu có thể rút ngắn được 3 - 4 ngày.

Với việc phân vai chủ đầu tư, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, để làm tốt vai trò này, mô hình Ban đang được xây dựng gắn trách nhiệm cụ thể như: Phòng Kỹ thuật - Thẩm định đóng vai trò như Cục Quản lý đầu tư xây dựng làm chức năng thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật, chi phí; phòng Kế hoạch làm các nhiệm vụ như Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Pháp chế liên quan đến đấu thầu, nguồn vốn, quản lý hợp đồng (điều chỉnh phụ lục).

Bên cạnh kiểm tra việc thực hiện hợp đồng, các phòng chuyên môn và ban lãnh đạo Ban QLDA chỉ vào cuộc thẩm tra, thẩm định với vai trò chủ đầu tư trong trường hợp có yếu tố phát sinh khác hợp đồng được duyệt trước đó.

Lương cao mới thu hút được nhân lực

img

Để giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng theo kế hoạch, đòi hỏi các Ban QLDA phải đổi mới cách làm, nếu không sẽ rất khó hoàn thành (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ)Ảnh: Duy Lợi

Trong khi đó, trăn trở lớn nhất đối với lãnh đạo Ban QLDA 2 và nhiều Ban QLDA khác là cơ chế hiện hành chưa đủ thu hút nguồn nhân lực, phục vụ việc thay đổi mô hình của các Ban QLDA.

“Theo tính toán, với chủ trương tăng quyền chủ động của Ban điều hành, những dự án lớn, nhân sự mỗi Ban điều hành dự kiến khoảng 20 người so với khoảng 10 người như hiện tại.

Thời điểm hiện tại, cơ cấu tổ chức Ban QLDA 2 gồm 4 phòng chức năng (Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Tài chính - Kế toán; Kỹ thuật - Thẩm định). Tổng số cán bộ, viên chức, người lao động khoảng 160 người.
Tương tự cơ cấu tổ chức của Ban QLDA 2, tổng số cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Ban QLDA Thăng Long gần 140 người.
Đại diện các Ban QLDA cho biết, khi có sự thay đổi mô hình tổ chức, tùy thuộc vào quy mô dự án, số lượng tăng thêm, đơn vị sẽ tuyển dụng thêm cán bộ, viên chức theo đúng quy đinh của pháp luật.


Tuy nhiên, việc tuyển dụng nguồn nhân lực còn chưa thuận lợi do thu nhập của cán bộ triển khai trên hiện trường ngành giao thông chỉ đang ở mức khoảng 4 - 5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với lực lượng khác (như tư vấn), trong khi điều kiện làm việc thường xuyên ở núi cao, rừng sâu, áp lực công việc lớn”, lãnh đạo Ban QLDA 2 nói và cho rằng, mức lương này cần được tăng thêm 4 - 5 lần mới đủ sức thu hút người lao động.

Cũng theo vị này, định mức QLDA ngành giao thông hiện nay đang thấp nhất so với các ngành. Đơn cử, tại dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được 58 tỷ đồng (hệ số 0,418).

Để đáp ứng nhiệm vụ đối với công trình dài 88km, dự kiến phải tổ chức 3 văn phòng điều hành với nhân sự trực tiếp khoảng 25 người chưa kể các bộ phận gián tiếp. Cộng chi phí thuê văn phòng, phương tiện và sinh hoạt, tổng chi phí cho mỗi văn phòng khoảng 700 - 800 triệu đồng/tháng.

Chi phí QLDA thu được gần như chỉ đủ vận hành cho dự án từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi quyết toán. Vì thế, định mức chi phí QLDA cần tăng lên 0,8 - 1 để mức thù lao chi trả được cải thiện.

Một vướng mắc khác cũng được các Ban QLDA đề cập là trường hợp được tăng quyền quyết định, Ban điều hành dự án cần có con dấu để đảm bảo mặt pháp lý. Hiện quyền sử dụng con dấu chỉ có Giám đốc/Phó giám đốc Ban.

“Trong trường hợp đưa ra quyết định, phê duyệt hồ sơ nghiệm thu, thanh toán tại hiện trường, Giám đốc Ban điều hành có được sử dụng con dấu của Ban QLDA hay không? Việc sử dụng con dấu như thế nào để tối ưu về thời gian là vấn đề cần được xác định rõ để việc phân giao nhiệm vụ phát huy được hiệu quả”, lãnh đạo một Ban QLDA chia sẻ.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức các Ban QLDA theo hướng tách bạch nhiệm vụ

Đồng tình với định hướng thay đổi của các Ban QLDA, một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, quy chế tổ chức hoạt động của Ban QLDA của Bộ GTVT hiện nay đã đưa ra bộ khung cơ bản trong cơ cấu tổ chức để thích ứng với vai trò chủ đầu tư, tuân thủ theo đúng quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 15 quy định chi tiết một số nội dung về QLDA đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đảm bảo quy trình quản lý đầu tư xây dựng được chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất theo quy định của pháp luật, các Ban QLDA phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo hướng tách bạch nhiệm vụ.

“Để tăng hiệu quả giải quyết công việc, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nội nghiệp, đảm bảo tiến độ thi công/tiến độ giải ngân các dự án, các Ban QLDA cần xây dựng quy chế sao cho người quản lý ở công trường được quyết định tối đa các vấn đề ngoài hiện trường”, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nói.

Đề cập đến hạn chế trong mô hình tổ chức quản lý dự án, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẳng thắn nhìn nhận, mô hình Ban điều hành dự án đã được nhiều Ban QLDA triển khai. Song, nhân sự của các Ban điều hành chưa có quy định thống nhất. Có đơn vị lấy từ nhiều phòng chuyên môn, có nơi lại lấy người trong cùng một phòng dự án.

“Phương án một Ban điều hành dự án gồm những người trong cùng một phòng dự án sẽ đảm bảo tính hiệu lực cao hơn, công tác quản lý nhân sự, tổ chức sinh hoạt Đảng được tập trung, tránh tình trạng một người vừa chịu sự quản lý của Giám đốc Ban điều hành, vừa chịu quản lý của lãnh đạo phòng khác, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý công việc”, vị này nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.