Thị trường

Cách nào giảm chi phí, khơi thông dòng chảy logistics Việt Nam?

23/11/2019, 12:42

Nhiều giải pháp mang tính định hướng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của hoạt động logistics Việt Nam được bàn thảo, đề xuất.

img
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và chủ trì Diễn đàn.

Sáng 23/11, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng thu hút gần 1.000 đại biểu lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành TW, Ngân hàng Thế giới, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Theo báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Word Bank thực hiện việc xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics trong thập niên vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá, trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ nội tại bản thân doanh nghiệp.

Tuy vậy, ông Trấn Tuấn Anh nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...

Bộ trưởng Bộ Công thương, cho rằng, thời gian tới, cần có những biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistics trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, trước hết là hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; thúc đẩy kết nối phát triển logistics dọc các hành lanh kinh tế chính và giải pháp tận dụng hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics để tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí logistics.

img
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics ở Việt Nam.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics thì cần có những giải pháp đồng bộ trong việc đẩy mạnh phát triển cơ ở hạ tầng, phương tiện giao thông, nâng cao chất lượng môi trường quản lý hành chính công.

"Thông thường chi phí thương mại sẽ gia tăng nếu như hàng hóa thông quan chậm, hay mức thuế, phí cao. Thật đáng tiếc là Việt Nam lại đang gặp phải những hạn chế này", ông Ousmane Dione nhìn nhận.

Ông Ousmane Dione cho biết: Trong báo cáo môi trường kinh doanh vừa mới được công bố, Việt Nam chỉ xếp 104/190 quốc gia. Việt Nam xếp sau Singapore (Singapore xếp thứ 47/190 quốc gia), Thái Lan xếp thứ 62/190 quốc gia, Malaysia xếp thứ 49/190 quốc gia.

Theo những phân tích gần đây về phát triển môi trường kinh doanh, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, Việt Nam có thể tận dụng việc cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục thương mại bằng cách sử dụng các công nghệ đột phá trong bối cảnh cách mạng 4.0, sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ tại Trung ương và địa phương.

Ông Ousmane Dione, cho hay: Hiện nay, Ngân hàng thế giới cũng đã triển khai thí điểm trong chuỗi giá trị cà phê tại Việt Nam để chứng minh hiệu quả việc sử dụng công nghệ truy gốc nguồn gốc hàng hóa đến người nông dân sản xuất cụ thể, cũng như việc cải thiện các thủ tục hải quan.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trước bối cảnh xu thế thương mại quốc tế có những biến đổi không ngừng tác động trực tiếp tới hoạt động thương mại và kinh tế của Việt Nam, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế là yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã ban hành các Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt cho phát triển logistics.

Để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về logistics, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng như: Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Mới đây, ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 684/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 4/0/2016 về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.