Thị trường

Cách nào hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 đạt 1.000 tỷ USD?

04/12/2024, 07:30

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, để tăng trưởng xuất khẩu, không chỉ nghiên cứu mở rộng các thị trường tiềm năng, mà vấn đề quan trọng cần tính đến là giá trị nội địa trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng lên hay giảm đi.

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cả năm đạt 800 tỷ USD. Ông cũng kỳ vọng vào con số 1.000 tỷ USD năm 2025.

Báo Giao thông trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) xung quanh những thuận lợi, thách thức và giải pháp hướng đến mục tiêu trên.

Cách nào hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 đạt 1.000 tỷ USD?- Ảnh 1.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR).

Nhìn lại một năm qua, ông dự báo thế nào về tình hình xuất nhập khẩu năm 2025?

Nếu chúng ta nhìn vào tiến triển năm nay, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2025 cao ngang, hoặc cao hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, tôi vẫn có chút nghi ngại về rủi ro khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, khi tỷ phú này sẽ đánh thuế cao đối với thương mại toàn cầu nói chung và đặc biệt là những chính sách đối với Trung Quốc.

Năm 2024, một phần chúng ta hưởng lợi do tâm lý e ngại, khi ông Trump dự báo sẽ tái đắc cử, nên những gì cần nhập khẩu các doanh nghiệp đã nhập trước. Chúng ta thấy rất rõ xu thế, chỉ số PMI quản trị mua hàng, của chúng ta tăng rất tốt. Và chúng ta nhập khẩu tăng để đón các đơn hàng.

Với chỉ số PMI, cộng với nhập khẩu tăng như vậy, các đơn hàng phục vụ xuất khẩu tính đến tháng 4/2025 hoặc 5/2025 của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2025, nếu ông Trump thực hiện đúng những lời hứa về thắt chặt thương mại, đầu tư, để đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy hiện tượng các dòng vốn ngoại, nhất là các dòng vốn gián tiếp bắt đầu thoái lui để trở về Mỹ.

Chính vì vậy, các dòng thương mại cộng với các dòng đầu tư liệu có thể tiếp tục lan tỏa để phòng ngừa rủi ro thương mại sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam hay không, vẫn phải tính toán.

Vậy, xuất khẩu khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, cũng như những vấn đề toàn cầu, thưa ông?

Việt Nam vẫn bị đe dọa trong việc đưa vào tầm ngắm để tránh các nhà sản xuất, hoặc là xuất khẩu liên quan đến căng thẳng Mỹ - Trung. Trên thực tế, chúng ta đã có một số mặt hàng bị đưa vào tầm ngắm, nên khả năng tăng trưởng của các mặt hàng công nghệ, trong đó có một số mặt hàng liên quan đến sản phẩm năng lượng mới như pin mặt trời không phải dễ để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ được nữa.

Cách nào hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 đạt 1.000 tỷ USD?- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu (Ảnh minh hoạ).

Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn của Việt Nam cả ở xuất khẩu và nhập khẩu. Nhập khẩu đứng thứ nhất, xuất khẩu đứng thứ hai. Nếu như Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách chĩa mũi dùi tập trung của ông Trump, sau khi tỷ phú này dự báo sẽ giải quyết êm thấm những mâu thuẫn thương mại với các nước như Nga hay Iran… để tập trung cho mặt trận với Trung Quốc, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề nhất định.

Nếu Trung Quốc bị kiềm chế, thực tế, nước này đã cố gắng xoay xở trong thời gian vừa qua bằng gói kích thích kinh tế hàng trăm tỷ đô la (Mỹ), giúp chỉ số PMI tăng trưởng trở lại, nó cũng thúc đẩy Việt Nam hưởng lợi bởi chúng ta nằm sát nách Trung Quốc. Nhưng nếu sang năm kinh tế Trung Quốc khó khăn vì chính sách từ ông Trump, chúng ta cũng bị ảnh hưởng chứ không thể nằm ngoài cuộc được.

Đó là những rủi ro trước mắt có thể nhìn thấy khi có những thay đổi về chính trị và chính sách của Hoa Kỳ và nó gắn trực tiếp với những bạn hàng xuất khẩu lớn.

Tôi cho rằng, châu Âu vẫn lún sâu trong cuộc khủng hoảng vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Kể cả khi cuộc chiến Nga - Ukraine hạ nhiệt vào năm tới, hệ quả về kinh tế của các nước châu Âu không dễ gì giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Chưa kể những bất ổn về chính trị càng ngày càng gia tăng ở các nền kinh tế lớn ở châu Âu, ví dụ như Đức, khả năng cao sẽ phải bầu cử lại, hay Pháp có dấu hiệu cho thấy chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron nguy cơ tan vỡ, hay Anh đang đối mặt với sức ép lớn khi áp lực kinh tế đè nặng lên chính phủ xứ sở sương mù.

Với diễn biến của các thị trường lớn trên thế giới mà Việt Nam đang phụ thuộc như vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy nó không bền vững, ít nhất từ nửa cuối năm 2025.

Do đó, tôi có lý do để quan ngại nếu như chúng ta không có những giải pháp để đa dạng hóa chuỗi xuất khẩu sang các thị trường mới, ví dụ như Nam Mỹ.

Tại sao vừa qua chúng ta có những động thái thể hiện sự quan tâm đến các thị trường mới như Nam Mỹ, hoặc việc mở rộng tham gia các liên minh thương mại ví dụ như BRICS… tôi cho rằng đó là một trong những động thái mà nhà cầm quyền Việt Nam thấy được những rủi ro khi mà ông Trump trở lại Nhà Trắng và một số thị trường truyền thống tiềm ẩn bất ổn.

Nguy cơ bất ổn thứ hai, tôi thấy chưa rõ ràng là vào năm tới, những quy định mới về thương mại cũng như đầu tư toàn cầu, nhất là từ các nước lớn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bắt đầu có tác dụng áp đặt lên các quốc gia. Ví dụ như quy định về cơ chế biên giới carbon (CBAM) về thuế carbon của châu Âu và những quy tắc về phát triển bền vững, rồi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất lên toàn chuỗi giá trị sẽ bắt đầu có những áp đặt, chứ không còn tự nguyện nữa mà áp đặt theo hệ thống chuỗi giá trị.

Mặc dù hàng Việt Nam có thể vẫn có giá trị xuất khẩu được chấp nhận nếu các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, vẫn đáp ứng được các điều kiện. Nhưng câu chuyện đầu vào tôi nhận thấy có một hiện tượng từ phần sản xuất trong nước chúng ta có thể không đáp ứng được các điều kiện…

Cách nào hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 đạt 1.000 tỷ USD?- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp xuất khẩu, kể cả trong nước lẫn doanh nghiệp FDI không thể nào kết nối, hoặc tiếp cận các nguồn cung sản xuất của Việt Nam. Ảnh: Hồng Hạnh.

Với những diễn biến trên, theo ông đâu là giải pháp căn cơ cần tính đến trong thời gian tới để hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Theo tôi, cần đầu tư vào công tác nghiên cứu để phát triển sâu thị trường hiện có cùng với tìm thêm các thị trường mới xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả. Từ đó, chú trọng tăng quy mô và tỷ trọng các mặt hàng có tỷ giá thương mại tăng cao.

Tuy nhiên, cần có giải pháp tiết giảm chi phí xuất khẩu, cải thiện chất lượng, gia tăng hàm lượng chế biến sâu, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng…

Lực lượng doanh nghiệp cần tích cực, chủ động phát triển và thích ứng hiệu quả với yêu cầu của thị trường trong từng giai đoạn.Coi trọng phát triển năng lực sản xuất trong nước, gia tăng hàm lượng nội địa hóa, phát triển các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu.

Đặc biệt, tăng mối liên kết vào chuỗi giá trị của FDI khi hiện nay 70% kim ngạch xuất khẩu thuộc các doanh nghiệp FDI.

Tôi thấy rõ thực tế, những chuẩn hóa giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với việc thực thi các quy định vẫn có độ vênh nhất định khiến các doanh nghiệp xuất khẩu, kể cả trong nước lẫn doanh nghiệp FDI không thể nào kết nối, hoặc tiếp cận các nguồn cung sản xuất của Việt Nam, mà chuyển sang nhập khẩu đầu vào nguyên liệu, và có xu thế tăng lên, để phục vụ xuất khẩu.

Xu thế này, một mặt giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể chen chân vào chuỗi giá trị, hoặc tham gia vào liên kết với các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, nó làm giảm giá trị gia tăng nội địa, giảm khả năng sản xuất của Việt Nam, nhất là các sản phẩm truyền thống như dệt may, hay nông nghiệp.

Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là không phải giá trị xuất khẩu bao nhiêu, mà vấn đề quan trọng cần tính đến là giá trị nội địa trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng lên hay giảm đi. Qua đó, xem xét sư lan tỏa giá trị của xuất khẩu sang khu vực sản xuất, nhất là tạo sinh kế và thu nhập cho người lao động nói chung, đặc biệt là người nông dân nói riêng có được đảm bảo hay không.

Đó là câu chuyện mà tôi đang quan sát để xem động thái tới đây như thế nào, gắn với các rào cản thương mại và phản ứng không những là của chính phủ mà cả chuỗi sản xuất của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.