Thị trường

Xuất khẩu trực tuyến có "chắp cánh" cho thương mại điện tử xuyên biên giới?

27/11/2024, 09:54

Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (EcomEX) là cơ hội để các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) Việt Nam thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

TMĐT xuyên biên giới tăng trưởng 26%

Theo Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của DN Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.

Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.

Xuất khẩu trực tuyến có "chắp cánh" cho thương mại điện tử xuyên biên giới?- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Nguyễn Hoàng Oanh nêu những định hướng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, TMĐT xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, MSME Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng TMĐT xuyên biên giới như hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…

Nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin toàn cảnh thị trường TMĐT Việt Nam và quốc tế, giới thiệu các mô hình, giải pháp hỗ trợ MSME thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức diễn đàn "Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt" vào sáng 26/11.

"TMĐT xuyên biên giới là phương thức xuất khẩu tiết kiệm nhất hiện nay. Để hiện thực hóa, các doanh nghiệp nên tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín, đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác bản địa hỗ trợ logistics và chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nắm bắt thị hiếu thị trường, nghiên cứu kỹ các quy định nước sở tại, tận dụng các chương trình hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Bộ Công thương để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên khắp thế giới", Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Nguyễn Hoàng Oanh cho biết.

EcomEX giúp các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam "bay xa"

Tại diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giới thiệu tổng quan về EcomEX. Phó cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.

Xuất khẩu trực tuyến có "chắp cánh" cho thương mại điện tử xuyên biên giới?- Ảnh 2.

Hệ thống logistics đóng vai trò then chốt trong TMĐT xuyên biên giới.

Bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp tham gia EcomEX sẽ được tư vấn nhiều vấn đề: Từ phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu thị trường đích đến hệ thống logistics. "Giải pháp cụ thể của Cục TMĐT và Kinh tế số đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đề ra cụ thể trong các nhóm định hướng; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; tham gia các chương trình hỗ trợ của Chính phủ...", bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Cục phó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ.

Theo bà Huyền, để xây dựng nền tảng trực tuyến riêng là điều rất khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các MSME. Chính vì vậy, tham gia EcomEX sẽ rất hữu ích cho để các doanh nghiệp xuất khẩu tối ưu hóa chi phí.

"Với hệ thống logistics của chúng tôi, sản phẩm ở Việt Nam có thể đưa đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Tùy vào lựa chọn thời điểm giao hàng trên ứng dụng TMĐT xuyên biên giới mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia, chúng tôi có thể đáp ứng một cách nhanh nhất. Thậm chí, một sản phẩm nông sản của Việt Nam có thể xuất hiện trên bàn ăn cho khách hàng đặt mua tại Trung Quốc trong ngày", ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thông tin.

Ông Tuấn cho biết, VNPost - một trong những doanh nghiệp tham gia EcomEX - có thể hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu sản xuất cho đến xuất khẩu sản phẩm. Theo lãnh đạo của VNpost, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường chủ lực như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh như nông sản OCOP, hay các mặt hàng thủ công mỹ nghệ... những sản phẩm được ưa chuộng ở nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.