Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một trong những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa - Ảnh: Lã Anh |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ GTVT chiều 4/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nếu chỉ chờ ngân sách thì sẽ chẳng có cây số đường cao tốc nào; Ngay cả những cây cầu ở nông thôn, nếu cần cũng có thể thu hút đầu tư theo hình thức BOT. Trong khi đó, ngân sách, nguồn vốn dài hạn đầu tư cho giao thông tiếp tục gặp khó khăn. Vậy trong bối cảnh đó, cách nào để chúng ta "hút" vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông?
Đề xuất xây dựng Luật PPP
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP cho biết, theo tính toán của Bộ GTVT, giai đoạn từ năm 2016-2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 1.015.000 tỷ đồng. Hiện Ban PPP đang xây dựng kịch bản để huy động vốn xã hội hoá tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Dự kiến trong 5 năm 2016-2020, ngành GTVT sẽ huy động khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm 40 nghìn tỷ đồng nguồn vốn từ khu vực xã hội hoá để đầu tư vào hệ thống hạ tầng”, ông Huy thông tin.
Đề cập tới các giải pháp đẩy mạnh công tác thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới, ông Huy cho biết, trước mắt, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Hiện nay, chúng ta mới chỉ có Nghị định về PPP. Do đó, để tạo hành lang pháp lý cao nhất về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng trình Quốc hội Luật về PPP”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, tới đây Bộ GTVT cũng sẽ tiến hành xây dựng các phương án nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông đã được đầu tư để có thêm nguồn vốn mới tái đầu tư các dự án tiếp theo.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: Tạ Tuấn |
Cân đối nhu cầu trong tổng thể ASEAN
Để tiếp tục thúc đẩy công tác huy động vốn xã hội hóa, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kết cấu hạ tầng của Việt Nam nằm trong tổng thể kết nối với ASEAN, khu vực, thậm chí APEC. Việt Nam có thể được hưởng nhiều tác động tích cực từ hoạt động kết nối này. Do vậy, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam - trong đó có vấn đề tài chính phải gắn với chiến lược chung của ASEAN và khu vực.
“Để làm được điều đó, chúng ta phải tối đa hóa và tối ưu hóa nguồn vốn từ các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các định chế tài chính như ADB, AIDB; thậm chí chuẩn bị ý tưởng phát hành trái phiếu khu vực...”, TS. Thành nói.
Cùng đó, TS. Thành cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực. Hiện đã có Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn về hợp tác công tư (PPP),... nhưng chưa đủ. Chẳng hạn, trong vấn đề hợp tác công tư, rõ ràng chúng ta chưa nhiều kinh nghiệm, do vậy còn phải tiếp tục học hỏi, điều chỉnh, nhất là tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước - tư nhân khi cùng hợp tác, đầu tư. Hay cơ chế khuyến khích, thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan.
“Tôi lấy ví dụ, chính sách tỷ giá phải ra sao để có thể hút được vốn ngoại vào lĩnh vực này? Đầu tư kết cấu hạ tầng là dài hạn, nhà đầu tư sau 5-7 năm, thậm chí cả chục năm mới thu hồi được vốn, tỷ suất lợi nhuận có thể xoay quanh mức 10%. Tuy nhiên, nếu tính chung lại cả thời gian đó, tỷ giá cũng lại mất 10% thì nhà đầu tư được gì? Và như vậy, làm sao có thể kêu gọi họ đầu tư cho kết cấu hạ tầng?”, TS. Thành phân tích và cho rằng, cần phải lưu ý nguyên tắc ưu tiên. Nguồn lực chúng ta có hạn, do vậy, ưu tiên không chỉ là đường bộ, mà còn bao gồm sân bay, bến cảng, hệ thống logistics, thậm chí năng lượng, viễn thông... Giữa những yếu tố này, phải được tính toán kỹ lưỡng, phân bổ hợp lý.
Lấy hạ tầng nuôi hạ tầng
Ở một khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) cho rằng, để hút thêm vốn, tới đây ngành GTVT cần đẩy mạnh chính sách “lấy hạ tầng nuôi hạ tầng”, nhất là bán và nhượng quyền khai thác. “Nhà nước vẫn quản lý được những vấn đề cốt yếu, doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư phải thu hồi được vốn, còn người dân được sử dụng dịch vụ tốt hơn và bỏ ra mức chi phí hợp lý”, ông Thường nói và cho rằng, phải làm tốt việc quản lý nhu cầu giao thông, tức là không thể lúc nào cũng chạy theo xây dựng kết cấu hạ tầng để đáp ứng sự phát triển.
“Lẽ thường, nếu ta đầu tư đường tốt, nhiều người dân sẽ nghĩ tới việc sắm thêm phương tiện để đi, từ đó nhu cầu đi lại tăng cao, nếu không quản lý sẽ gây bất cập ngay. Việc thu phí ở các dự án BOT được coi như một chiếc “van điều tiết” nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân để mỗi khi có ý định sắm thêm phương tiện, mọi người phải cân nhắc kỹ lưỡng vì họ phải bỏ tiền ra chi trả cho việc sử dụng dịch vụ hạ tầng. Nếu không làm tốt việc này, chúng ta sẽ mãi đuổi theo mà không bao giờ bắt kịp nhu cầu sử dụng hạ tầng”, ông Thường phân tích.
Chung quan điểm, ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu ngân sách rất khó, áp lực nợ công rất lớn, số vốn huy động ngoài ngân sách trong 5 năm qua rõ ràng rất thuyết phục.
“Tới đây, không chỉ năm 2016, mà những năm sau đó, chúng ta vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần phải tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng GTVT”, ông Tâm nói, đồng thời cho rằng, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các dự án giao thông bằng các biện pháp như đổi đất lấy hạ tầng, cho kéo dài thời gian thu phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp…
Về vấn đề huy động nguồn vốn ngoại tệ trong nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, thực ra, ý tưởng này đã được thực hiện rồi. Trước đây chúng ta đã phát hành 500 triệu USD và riêng năm 2015 đã phát hành 1 tỷ USD trong thị trường nội địa. Có thể nói, phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước với vay vốn ngoại tệ từ người dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng, về mục tiêu đều nhằm huy động vốn ngoại tệ, chỉ khác nhau về cách làm. Có thể huy động vốn ngoại tệ từ thị trường trong nước có chi phí rẻ hơn vay của nước ngoài. Tuy nhiên cũng phải lưu ý mấy vấn đề: Nguồn ngoại tệ dự trữ của chúng ta không phải quá dồi dào, do vậy cũng vẫn phải quay về vấn đề trật tự ưu tiên. Mặt khác, chúng ta cũng phải cân nhắc việc huy động - cho vay ngoại tệ trong một chừng mực nhất định, sẽ tác động ra sao đến vấn đề đô la hóa mà chúng ta đang phải tìm mọi cách hạn chế. Do vậy, tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp để làm sao có thể huy động được tối đa nguồn lực từ nhà đầu tư tư nhân - trong nước cũng như nước ngoài”. TS. Võ Trí Thành |
Kinh nghiệm huy động vốn phát triển hạ tầng giao thông Anh là một trong những nước châu Âu đi đầu trong việc huy động vốn tư nhân với ý tưởng Tài chính Tư nhân (Private Finance Initiative - PFI). PFI là một hình thức hợp tác công - tư nhưng hình thức này khác tư nhân hóa ở chỗ, Chính phủ vẫn nắm vai trò quan trọng - là bên mua các dịch vụ hoặc ra quyết định cho phép dự án triển khai. Theo đó, các công ty đầu tư tư nhân sẽ thiết kế, xây dựng tài chính và vận hành cơ sở hạ tầng dựa trên các đặc điểm kỹ thuật, thiết kế chung do nhà nước quy định. Nhà nước sẽ trả tiền để sử dụng cơ sở hạ tầng trong thời gian được thỏa thuận trong hợp đồng. Hết thời hạn, quyền sở hữu tài sản có thể tiếp tục thuộc về phía tư nhân hoặc được chuyển nhượng cho nhà nước tùy thuộc vào điều khoản trong hợp đồng. PFI được áp dụng trong các loại dự án từ quy mô nhỏ khoảng 100.000 bảng Anh (hơn 3 tỉ VND) cho tới các dự án xây dựng quy mô lớn nhất châu Âu như đường hầm Channel Tunnel Rail Link trị giá 4 tỉ bảng Anh. Ấn Độ - nước có hệ thống đường bộ lớn thứ hai thế giới (3,34 triệu km) có nhu cầu vốn lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Để thu hút đầu tư tư nhân, ngoài việc áp dụng các hình thức đầu tư hấp dẫn như BOT, PPP,... chính phủ Ấn Độ có kế hoạch sử dụng nguồn vốn 200 tỉ rupees (3 tỉ USD) để thành lập Quỹ Hạ tầng và Đầu tư Quốc gia (NIIF) “hút” vốn các tổ chức trên thế giới. Chính phủ và các tổ chức nhà nước nắm giữ 49% cổ phần công ty, phần còn lại để thu hút các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ lương cùng các tổ chức khác. Ngoài tài trợ quỹ, NIIF cũng có thể đầu tư trực tiếp vào các dự án. Trung Quốc mới đây cũng thay đổi chính sách, mở cửa cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng theo mô hình BOT cũng như huy động vốn thông qua cổ phần tư nhân, đầu tư chiến lược, trái phiếu... Chính phủ khuyến khích các ngân hàng cho vay vốn đối với các dự án nhượng quyền cũng như cho phép các ngân hàng chính sách của Trung Quốc hỗ trợ tín dụng với các khoản nợ thời hạn lên tới 30 năm. Đổi lại, chính phủ cam kết đảm bảo “bảo vệ lợi ích pháp lý của nguồn vốn xã hội, bảo đảm sự ổn định và liên tục của các hoạt động chuyển nhượng”. Xuân Minh |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận