Mỗi năm Việt Nam cần từ 5 - 7 tỷ USD để đầu tư hạ tầng giao thông - Ảnh: Tạ Tôn |
Dù thời gian qua, ngành GTVT đã huy động số vốn khổng lồ lên đến hơn 180 nghìn tỷ đồng từ ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tuy nhiên nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông những năm tới còn rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách lại hạn hẹp. Một trong những giải pháp khắc phục có tính khả thi cao được tính tới là lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông.
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước:
Công ty cổ phần đầu tư là mô hình thu nhỏ của Quỹ
Tôi cho rằng, phương thức hợp tác công tư (PPP) vẫn phải là biện pháp trọng tâm trong thời gian tới đây. Để phương thức này tiếp tục phát huy chất lượng, hiệu quả, ngành GTVT cần có nghiên cứu, đánh giá tổng thể quá trình thực hiện tại Việt Nam: Chúng ta làm được bao nhiêu, làm đến đâu, khó khăn chỗ nào, vướng mắc ở đâu…
Mặt khác, vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng vẫn là một hướng tiếp cận quan trọng, đừng vội khép cửa với nó. Dù rằng, đặc trưng vốn huy động qua ngân hàng tỷ trọng lớn là ngắn hạn và tín dụng cho nền kinh tế phải được cân đối cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Song, nếu các ngành GTVT chứng minh được danh mục dự án đầu tư cho CSHT thực sự hấp dẫn, sẽ không khó thuyết phục hệ thống ngân hàng thu xếp vốn.
Cùng với đó, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, hình thành các hình thức gọi vốn khác nữa. Chúng ta làm một con đường, một sân bay, một bến cảng…, hoàn toàn có thể thành lập một công ty cổ phần chuyên gọi vốn cho từng dự án như thế, thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu và tôi cho rằng phát hành cổ phiếu có vẻ thiết thực, hấp dẫn hơn.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải xây dựng cho được một cấu trúc tổ chức bộ máy sao cho những cổ đông là những người quản lý, giám sát tốt để dự án có khả năng hoàn trả vốn góp, cổ tức… Và điều này đưa chúng ta trở lại vấn đề rất quan trọng là tính hiệu quả của dự án và điều này phụ thuộc vào kỹ thuật quản trị dự án của những người chịu trách nhiệm.
Mỗi một dự án - thông qua một công ty cổ phần như thế, phải trả lời cho nhà đầu tư một số câu hỏi: Dự án này có khả năng hoàn vốn không, có khả năng sinh lời không; hoàn vốn trong bao lâu; sinh lời với tỷ lệ bao nhiêu; cổ tức thế nào; giá cổ phiếu công ty biến động về đâu… Tất cả những vấn đề này phải hoàn toàn công khai, minh bạch. Trên cơ sở thành công của hình thức huy động này, chúng ta có thể đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó xem xét mở rộng và ở quy mô lớn hơn như một Quỹ đầu tư cho CSHT chẳng hạn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:
Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông đã được nhiều nước thực hiện
Để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2020, mỗi năm chúng ta cần 5 -7 tỷ USD. Như vậy, nhu cầu vốn sẽ rất lớn. Vì vậy, theo tôi việc thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông là rất cần thiết.
Ý nghĩa của Quỹ này là nhằm đáp ứng nguồn vốn cho các dự án PPP. Quỹ này có thể tiếp nhận các nguồn vốn từ việc chuyển nhượng các dự án giao thông và được sử dụng để đầu tư thực hiện các dự án khác có liên quan hoặc đầu tư trực tiếp các dự án tách biệt khác. Nhà nước ngoài việc cấp vốn đối ứng cho GPMB, cũng có thể trích một phần ngân sách để đưa vào Quỹ đó. Thứ nữa là có thể thu vốn dư từ các dự án khác để đưa vào Quỹ. Ngay cả khi chúng ta có thể vay được nguồn vốn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội để đưa vào Quỹ, việc này cũng phát huy hiệu quả cao nhằm phát triển hạ tầng. Quỹ này đã được nhiều nước thực hiện và rất có hiệu quả.
Ông Tony Hsun, Giám đốc điều hành mảng đầu tư cơ sở hạ tầng, Tập đoàn VinaCapital:
Muốn lập Quỹ cần hoàn thiện khung chính sách
Chúng tôi cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn cho Quỹ đầu tư hạ tầng của Chính phủ thì mức lợi nhuận đã điều chỉnh theo rủi ro mà họ nhận được phải cao hơn. Để làm được điều này, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, vì các dự án hạ tầng thường yêu cầu lượng vốn cam kết ban đầu rất lớn. Như với các dự án cầu đường, nếu cần thiết Chính phủ phải thực hiện giải phóng phần lộ giới theo quy định trong thời hạn đã thống nhất nhằm tránh đội chi phí đầu tư do chậm trễ thi công dự án.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc gọi vốn đầu tư vào hạ tầng còn nhiều trở ngại: Về pháp lý, quy trình quyết định của Chính phủ còn chưa rõ ràng đối với các nhà đầu tư và các biện pháp đảm bảo mặt bằng dự án chưa được thực hiện đủ mạnh mẽ. Nhà đầu tư cũng lo lắng rằng, khó có một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp Nhà nước và nước ngoài và các công ty địa phương thường được ưu ái hơn.
Về tài chính, các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và PPP vẫn khó xác định nguồn thu thích hợp để bù đắp các rủi ro liên quan đến dòng vốn của cổ đông; các tổ chức tài chính cũng e ngại việc cho các đơn vị độc quyền của Nhà nước và các nhà cung cấp tiềm năng vay vốn.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT):
Bộ GTVT từng kiến nghị, các cơ quan chức năng chưa phản hồi
Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng sẽ huy động tất cả các nguồn lực trong xã hội, tiền nhàn rỗi của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ tín dụng,… để chuẩn bị nguồn vốn “mồi”, sẵn sàng hỗ trợ, đối ứng để thực hiện các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình đầu tư PPP, họ huy động được các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí tự nguyện đầu tư trực tiếp vào hạ tầng, hỗ trợ đầu tư các dự án PPP rất có hiệu quả. Tuy nhiên, ở nước ta, hầu như các quỹ này lại sử dụng để gửi ngân hàng, mua cổ phiếu,… chứ chưa được sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng.
Việc thành lập Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng là rất cần thiết để thực hiện thành công các dự án PPP. Trước đây, Bộ GTVT đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thành lập quỹ này nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đề xuất để thành lập Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận