Với nạn nhân TNGT, quan trọng nhất là thời gian
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương do TNGT càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau TNGT do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu.
Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương cho nạn nhân. Nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ tai nạn, giảm thiệt hại về kinh tế và những tổn thất về tinh thần cho người dân, xã hội.
Tại Việt Nam, hoạt động cấp cứu ngoại viện hiện nay có sự tham gia của nhiều thành phần bao gồm các Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập...
Việc đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của người dân. Các dịch vụ cấp cứu ngoại viện bao gồm: Chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện ngoại trừ sơ cấp cứu ban đầu; Các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương (vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở điều trị hoặc vận chuyển bệnh nhân không thể di chuyển được tới các dịch vụ y tế).
Tập huấn kỹ năng, nâng cao hiệu quả sơ cấp cứu nạn nhân
Theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Hội nghị ATGT năm 2023, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu ngoại viện tuy nhiên có nhiều vấn đề cần cải thiện.
Trong số 343 trường hợp bệnh nhân chấn thương vào cấp cứu tại phòng khám bệnh viện này trong thời gian từ 1/5 - 15/7/2023 có 71,4% nạn nhân là nam giới, 28,6% nữ giới.
Về độ tuổi, từ 15-59 tuổi chiếm 63%, trên 60 tuổi chiếm 32,6%, dưới 15 tuổi chỉ chiếm 4,4%.
Nguyên nhân do TNGT chiếm tỷ lệ cao nhất với 211 trường hợp (61,5%). Tổn thương của nạn nhân gồm chấn thương sọ não chiếm 55,4%; gãy xương chiếm 38,5%; chấn thương hàm mặt 25,1%; chấn thương cột sống chiếm 21%.
Phương tiện giao thông liên quan tai nạn có 74,4% là xe máy, có tới 7,1% người đi bộ và 7,4% là người đi xe đạp.
Những nạn nhân này đa số được vận chuyển đến bệnh viện bằng xe cứu thương ngoại trừ 8,7% do người nhà tự đưa đến.
Trong số những nạn nhân được vận chuyển bằng xe cứu thương thì có tới 13,1% chỉ có người nhà hộ tống người bệnh, số khác nhân viên y tế đi cùng chỉ là điều dưỡng, không có bác sĩ.
Các kỹ thuật cấp cứu ban đầu chiếm đa số là băng vết thương 32,7%; bất động chi gãy 30,9%; khai thông đường thở 28,9%; đặt nội khí quản là 29,7% và nẹp cổ 22,2%.
Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia nhấn mạnh: TNGT vẫn chiếm tỷ lệ cao các trường hợp cấp cứu chấn thương tại bệnh viện và chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong.
Trước thực trạng đa số cấp cứu trước viện chỉ có điều dưỡng hộ tống bệnh nhân, nhóm nghiên cứu cho rằng họ cần được tập huấn, đào tạo chuyên nghiệp hơn về chuyên môn cũng như kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân.
Trong đó, đánh giá, phân loại và xử trí cấp cứu người bệnh nặng là kỹ năng vô cùng quan trọng song song với việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm của nhân viên y tế trong ứng phó, xử trí cấp cứu các trường hợp người bệnh nặng, bởi thực hiện tốt các kỹ năng này có thể giảm tỉ lệ tử vong ở người bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận