Từ đây cũng đặt ra vấn đề cấp thiết phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các công trình nói chung, nhà chung cư mini nói riêng, bởi cả nước có cả nghìn chung cư loại này.
Trao đổi với Báo Giao thông, thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Phòng Tuyên truyền thuộc Cục Cảnh sát PCCC&CHCN (Bộ Công an) cho rằng, những công trình, nhà ở không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cần phải dừng hoạt động để xử lý, khắc phục sai phạm.
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ
Theo ông, đối với loại hình nhà ở cao tầng là chung cư mini, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy là gì? Vì sao lực lượng chức năng khó hạn chế thiệt hại trong các vụ cháy?
Thực tế cho thấy nhiều chung cư mini chỉ có một lối cầu thang bộ để lên xuống. Trong khi đó, số lượng người ở bên trong các căn hộ không phải ít, thậm chí có những nơi số lượng người ở bị quá tải so với diện tích mặt bằng.
Vì thế, khi xảy ra hỏa hoạn, các chung cư mini sẽ có rất ít lối thoát cũng như lối tiếp cận để cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng chức năng.
Trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thời gian cháy tự do là yếu tố quan trọng nhất. Thời gian cháy tự do càng lâu thì đám cháy phát triển càng mạnh, việc tiếp cận chữa cháy và cứu nạn cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, ở những loại hình nhà ở mà dễ tiếp cận, lực lượng cứu hỏa rút ngắn được thời gian cháy tự do, hạn chế được rất nhiều hậu quả.
Tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) dù giấy phép xây dựng chỉ cho phép xây 6 tầng nhưng trên thực tế lại là 9 tầng với 45 căn hộ. Ảnh: Tạ Hải.
Qua vụ cháy ở Khương Hạ cho thấy chủ đầu tư có dấu hiệu tự ý hoán cải, chuyển đổi công năng công trình nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Điều này tiềm ẩn những nguy hại ra sao về công tác PCCC?
Loại hình nhà ở cao tầng, chung cư hay chung cư mini có nhiều căn hộ thường được xây dựng tại những vị trí có lối dẫn vào hẹp. Một số công trình còn được xây dựng cao hơn thực tế cho phép.
Khi xảy ra hỏa hoạn, xe chữa cháy của lực lượng chức năng có thể tiếp cận sát hiện trường được hay không, tùy thuộc vào khoảng cách từ nơi xe đỗ được đến vị trí xảy ra cháy.
Một điểm khác biệt là ở các chung cư bình thường, xe chữa cháy và lực lượng cứu nạn cứu hộ có thể dễ dàng tiếp cận hiện trường khi xảy ra cháy thông qua nhiều vị trí như cầu thang bộ, ô thoáng cửa sổ. Còn tại những chung cư mini trong ngõ hẹp hay ngõ sâu, việc triển khai dẫn đường vòi cứu hỏa rất khó khăn. Không những thế, quá trình tiếp cận các phòng cũng bị hạn chế do không thể sử dụng xe thang, chung cư có ít lối ra vào…
Chủ động phòng cháy sẽ hạn chế tối đa thiệt hại
Đoàn liên ngành quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kiểm tra điều kiện phòng cháy chữa cháy tại một nhà trọ cho thuê trên phố Trần Cung, chiều 18/9. Ảnh: Quang Trường.
Cục PCCC&CNCH có những khuyến cáo gì đối với người dân sau vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ nhằm hạn chế tối đa con số thương vong khi không may xảy ra cháy, nổ?
Đối với người dân, trước hết mỗi gia đình nên trang bị cho mình và người thân những phương tiện phòng ngừa hỏa hoạn, điển hình như hệ thống đầu báo cháy.
Hiện nay, hệ thống này đã xuất hiện loại thông minh tích hợp chức năng gọi điện, nhắn tin cho chủ sở hữu. Hệ thống còn tự động liên lạc đến lực lượng cảnh sát PCCC khi máy phát hiện ra sự cố cháy nổ, dù có người ở nhà hay không, nhất là vào ban đêm.
Với những hộ gia đình đặc biệt là nhà có con nhỏ, mỗi hộ cần chuẩn bị các thiết bị phục vụ cho việc chữa cháy ban đầu, trong đó quan trọng nhất là bình cứu hỏa, mặt nạ lọc độc và dây thả chậm.
Nhà nào có trẻ lớn hơn, có thể trang bị thêm các vật dụng như thang dây. Khi đã chuẩn bị đầy đủ nên phân bổ các thiết bị ở nhiều nơi trong nhà, ngoài tầng, hạn chế để vật chữa cháy tập trung tại một vị trí.
Một loại vật dụng hữu ích nữa cũng nên chuẩn bị, đó là các vật dùng để cắt, phá như búa, kìm cộng lực, rìu… Mục đích là tạo thêm lối thoát nạn phụ sang những công trình lân cận trong trường hợp lối chính đã bị đám cháy phong tỏa.
Người dân lưu ý không nên mua những thiết bị, vật dụng kém chất lượng, tránh rủi ro khi sử dụng trong sự cố.
Sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, ban quản trị nhiều tòa chung cư khác đã cấm sạc xe điện vào ban đêm, thậm chí không cho sạc xe điện. Ông có khuyến cáo gì để tránh rủi ro khi sử dụng xe điện, nhất là cắm sạc trong nhà để xe?
Tại những tòa nhà chung cư có khu vực để xe ở tầng thấp hoặc tầng hầm, người dân lưu ý bảo quản, kiểm soát các loại xe đặc biệt là xe có bình ắc quy sạc như xe điện.
Với loại xe điện này, chủ sở hữu cần thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra để phát hiện pin có bị phồng, bị nứt hay không. Đặc biệt, tránh cắm sạc ngay sau khi đi về bởi lúc đó, pin vẫn còn nóng.
Đáng chú ý, nhiều người có thói quen nạp sạc qua đêm. Điều này dễ dẫn đến hai nguy cơ: Xảy ra sự cố vào ban đêm và thời gian sạc quá dài.
Đối với ban quản lý hoặc chủ các chung cư, chung cư mini, họ nên đề ra quy định khu vực riêng dành cho xe điện. Có thể bố trí khu vực này ở cửa ra vào, nơi có người túc trực thường xuyên. Tại đó, các chung cư cũng nên để sẵn cát hoặc thiết bị cứu hỏa đề phòng cháy, nổ.
Vụ cháy ở Khương Hạ cũng lộ ra lỗ hổng về công tác quản lý, cấp phép. Theo ông các quy định pháp luật hiện nay cần bổ sung những gì để khắc phục bất cập, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ?
Mới đây, Bộ Công an có rà soát trên toàn quốc và phát hiện gần 38.000 công trình, nhà ở không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC. Theo quy định, những nơi không đảm bảo cần phải dừng hoạt động để xử lý, khắc phục sai phạm. Ngoài các quy định hiện hành, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình nhà ở.
Các cơ quan liên quan cũng đang nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn phòng cháy cho nhà ở, công trình phù hợp công năng sử dụng, đáp ứng yêu cầu PCCC.
Cảm ơn ông!
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế):
Truy trách nhiệm theo hệ thống quản lý
Sau vụ việc đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố đã thống nhất với Bộ Công an chỉ đạo điều tra tận gốc vấn đề, từ khâu cấp phép xây dựng đối với chung cư mini xảy ra cháy.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, các vụ việc/vụ án đều được điều tra tận gốc để làm rõ vai trò, trách nhiệm và mức độ sai phạm của những người liên quan. Với vụ án hình sự vi phạm quy định về PCCC cháy khiến 56 người tử vong, 37 nạn nhân bị thương này cũng vậy.
Đối với chung cư mini, vấn đề quản lý về trật tự xây dựng và công tác đảm bảo an toàn PCCC không chỉ gói gọn trong phạm vi trách nhiệm quản lý của UBND cấp phường và cơ quan công an cùng cấp. Khi xảy ra sự cố gây hậu quả chết người, các cơ quan chức năng sẽ truy trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị và cấp quản lý liên quan. Nói chung là sẽ truy trách nhiệm theo hệ thống.
Đầu tiên, cần xem việc cấp phép xây dựng chung cư đã đúng chưa? Nếu đúng, thì khi công trình có vi phạm, việc kiểm tra, rà soát liên quan từng cấp quản lý có sát sao, triệt để?
Như vụ cháy ở Khương Hạ, thông tin ban đầu cho thấy chung cư mini đó chỉ được cấp phép xây có 6 tầng, nhưng thực tế chủ nhà đã xây đến 9 tầng và một tum. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Còn đối với công tác PCCC tại những công trình này cũng tiến hành xem xét làm rõ trách nhiệm theo thứ tự như vậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận