Hạ tầng

Cách nào ngăn tăng giá vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam?

26/03/2021, 06:03

Vật liệu tại một số nơi làm cao tốc Bắc - Nam bị đội giá khiến nhà thầu hết sức khó khăn, ảnh hưởng tiến độ dự án. Giải pháp tháo gỡ sẽ là gì?

img

Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm

Theo số liệu khảo sát thì tại các địa phương có dự án cao tốc Bắc- Nam đi qua, các mỏ vật liệu đều đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt vật liệu, một số nơi vật liệu đội giá khiến nhà thầu hết sức khó khăn, ảnh hưởng tiến độ dự án. Giải pháp tháo gỡ sẽ là gì?

Lo thiếu vật liệu ảnh hưởng tiến độ

Tại buổi tọa đàm “Thiếu vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Thực trạng và giải pháp” do Báo Giao thông tổ chức ngày 25/3, đại diện cơ quan quản lý, ngành chức năng địa phương, nhà thầu thi công dự án, chuyên gia... đã cùng trao đổi và đề xuất nhiều giải pháp..

Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, đại diện Ban QLDA Thăng Long, đơn vị được giao làm chủ đầu tư hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (cần 7 triệu m3 đất) và Phan Thiết - Dầu Giây (cần 5 triệu m3 vật liệu). Tuy nhiên, quá trình triển khai, vật liệu đội giá lên nhiều so với thời điểm khảo sát.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cũng cho biết, đơn vị đang quản lý dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo, hiện nhu cầu toàn dự án cần 8 triệu m3 vật liệu.

Trong khi đó, các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Theo tính toán thì thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ khoảng 6 - 8 tháng. Vì thế, khả năng bị chậm tiến độ rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ.

Ông Đỗ Quang Hưng, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng thông tin, đơn vị đang quản lý hai dự án Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm.

Dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 vật liệu, trong đó các mỏ đã có giấy phép đang khai thác cung cấp hơn 400 nghìn m3, thiếu khoảng 1,3 triệu m3. Dự án Nha Trang - Cam Lâm đang triển khai, nhu cầu cần 5,5 triệu m3, các mỏ đang khai thác cấp được 2,49 triệu m3 và thiếu khoảng 3 triệu m3.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long cho biết, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tổng nhu cầu đất đắp 1,8 triệu m3, dự kiến phải mua ngoài 1,2 triệu m3. Tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận chỉ có 2 mỏ khai thác đá, gần như không còn đất đắp.

Tình trạng này đã đẩy giá thành vật liệu cung cấp cho dự án rất cao. Đặc biệt tại Đồng Nai, gói thầu số 4 được quy hoạch cho 3 mỏ nhưng gần như chưa được cấp phép khai thác hoặc đang khai thác thì lại sắp hết hạn.

Lý giải tình trạng trên, ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu lớn, trong khi thời gian thực hiện ngắn, tiến độ đắp nền chỉ trong 3 - 4 tháng, rất gấp, trong khi quy trình cấp phép mỏ ít nhất phải mất 6 tháng tới hơn 1 năm. “Tuy nhiên, việc thiếu chỉ là cục bộ chứ không phải diện rộng”, ông Hoàng Anh nói.

“Quy định đã có, chỉ là cách thực thi”

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua Thanh Hóa có 3 dự án: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Dự án Mai Sơn - QL45 đã khởi công, theo tính toán của Ban QLDA Thăng Long là cần hơn 6 triệu m3 đất cho dự án này. Tuy nhiên, hiện các mỏ đã cấp phép trên địa bàn chỉ có công suất 1,9 triệu m3/năm.

Giải pháp Sở TN&MT tỉnh đưa ra là thông tin đến các chủ mỏ, đề nghị chủ mỏ đã được cấp phép gửi hồ sơ lên Sở TN&MT để được xem xét nâng công suất. Còn những mỏ nằm trong quy hoạch đã phê duyệt sẽ ưu tiên đẩy nhanh tốc độ cấp phép.

Trong khi đó, ông Vũ Thanh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và VLXD Sở Xây dựng Quảng Ninh thông tin, trên địa bàn Quảng Ninh, hàng năm nhu cầu vật liệu xây dựng lên đến 130 triệu m3/năm.

Nhưng ở Quảng Ninh, trữ lượng đất đá san lấp rất lớn. Bãi thải ngành than hàng năm đổ thải 150 triệu tấn và tỉnh đang đề xuất lấy khối lượng này làm vật liệu san lấp. Ngoài ra, tỉnh có nhiều đồi núi và đang khai thác với trữ lượng 500 triệu m3.

“Năm 2019, Quảng Ninh có quy định riêng là tất cả mỏ cấp trực tiếp cho chủ đầu tư để khai thác mà không cấp qua đơn vị trung gian. Vì thế mà không có tình trạng nâng giá. Chúng tôi đã đưa tất cả vị trí mỏ vào quy hoạch, khoanh khu vực đấu giá và không đấu giá”, ông Hùng thông tin.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ TN&MT cho biết, theo quy định Luật Khoảng sản, UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục cụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Vấn đề cách tổ chức thực hiện như thế nào. Về thời gian quy định cấp giấy phép thăm dò và khai thác tối đa 90 ngày, quy định gia hạn tối đa 45 ngày. Như vậy, chỉ có quy định tối đa, không quy định tối thiểu nên việc giảm thời gian xuống 1 tuần, 1 tháng không ai cấm, miễn là trình tự thủ tục đủ”, ông Thanh khẳng định.

Đối với mỏ cấp mới theo quy định Nghị định 158, cho phép điều chỉnh nâng công suất khai thác mỏ với thủ tục đơn giản trong thời gian rất nhanh.

Còn đối với mỏ chưa cấp phép, cho phép trường hợp đã được quy hoạch cho công trình hạ tầng giao thông thuộc khu vực không cần đấu giá. “Tóm lại, vấn đề là cách tổ chức thực hiện tại các địa phương”, ông Thanh khẳng định.

Đề xuất các địa phương làm giống Quảng Ninh

img

Một trong những mũi thi công cống trên đoạn tuyến thuộc gói thầu XL5 dự án Cam Lộ - La Sơn. Dự án cần 1,8 triệu m3 vật liệu, trong đó các mỏ đã có giấy phép đang khai thác cung cấp hơn 400 nghìn m3, thiếu khoảng 1,3 triệu m3. Ảnh: Duy Lợi

Theo ông Thái Duy Sâm, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, trước mắt nên đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương thực hiện như Quảng Ninh để các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động khai thác và đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, ngoài đất còn có thể sử dụng nguồn khác, như dùng phế thải từ mỏ than như ở Quảng Ninh, hay tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, nguồn phế thải tháo dỡ từ các công trình xây dựng… Nếu tận dụng được những nguồn này vừa tiết kiệm lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, ông Lê Quyết Tiến cho biết, về nguyên lý, vật liệu đưa vào dự án đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là hoàn toàn được chấp thuận. Về giá thành, khi nghiên cứu áp dụng vật liệu mới thì nguyên tắc phải đảm bảo là giá rẻ hơn.

Chia sẻ thêm, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 thông tin: “Qua quá trình thực hiện, chúng tôi đã tận dụng nguồn đất đá thu được từ đào nền đường và nổ mìn phá đá để thi công nền đường, kết quả rất khả quan. Sắp tới, chúng tôi hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GTVT xem xét và quyết định.

Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án, giải quyết được hơn 1 triệu m3 so với nhu cầu tổng 9,3 triệu m3. Ngoài ra, thực tế một số đoạn tuyến đi qua vùng đất nông nghiệp có chất lượng canh tác rất kém, nếu tận dụng những nguồn này cũng rất tốt”.

Nhiều giải pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng

Trước phản ánh thiếu vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương nghiên cứu để xử lý bằng các giải pháp phù hợp.

Trước vướng mắc về giá vật liệu có thể ảnh hưởng tới tiến độ cao tốc Bắc - Nam, đề nghị chính quyền địa phương đứng ra làm trung gian tổ chức hiệp thương về giá giữa các bên.

Trong đó, ngoài việc phân tích ý nghĩa chính trị của công trình, cũng cần chỉ ra phương pháp tính giá đầu vào, mức lợi nhuận hợp lý cho các nhà cung cấp vật liệu.

Trên cơ sở đó thống nhất đưa ra mức giá hợp lý mà các bên có thể chấp nhận được, phù hợp đúng với diễn biến thị trường.
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm)


Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh nơi có dự án đi qua, đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được, nâng công suất khai thác, gia hạn giấy phép mỏ để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án.

Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Phía các Ban QLDA, Bộ đã yêu cầu chỉ đạo tư vấn tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng, thực hiện các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện khai thác vật liệu đắp. Nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thêm 4 dự án, chúng tôi sẽ chỉ đạo tư vấn khảo sát kỹ hơn về nhu cầu vật liệu cũng như mỏ vật liệu để đưa vào hồ sơ. Tôi cho rằng, sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương là yếu tố mấu chốt quan trọng trong giải quyết khó khăn về vật liệu, cả về nguồn cung và quản lý giá”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trước băn khoăn có nên đấu thầu mỏ vật liệu trước rồi mới đấu thầu xây lắp, ông Tiến cho rằng, dự án chưa có mà đấu thầu vật liệu thì tiềm ẩn rủi ro. Vấn đề là đẩy thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, đó mới là vấn đề mấu chốt.

Về ý kiến cho rằng, cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, Nhà nước có quyền trưng dụng lại các mỏ vật liệu này, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, tới thời điểm này, Luật Khoáng sản chưa có quy định.

“Về việc cấp phép sử dụng đất nông nghiệp dôi dư không hiệu quả, Bộ TN&MT cũng đã tiếp thu từ các địa phương, đang nghiên cứu đề xuất ban hành hướng dẫn trình tự thủ tục theo hướng rút ngắn về thời gian. Ngoài ra, chúng tôi xin ghi nhận những đề xuất trong cuộc họp hôm nay để đề xuất giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, ông Thanh nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.