Chính trị

Cách nào phát huy vai trò 200 ĐBQH chuyên trách?

29/05/2021, 14:31

Đại biểu chuyên trách cần được tạo điều kiện gì để họ có thể phát huy hết khả năng, đóng góp vào chất lượng hoạt động của Quốc hội?

img

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri cả nước vừa bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Theo đó, số ĐBQH chuyên trách kỳ này ít nhất là 40% (200 người), tăng hơn 5% so với Khóa XIV. Việc tăng số ĐBQH chuyên trách sẽ tác động thế nào đến công tác xây dựng pháp luật? Đại biểu chuyên trách cần được tạo điều kiện gì để họ có thể phát huy hết khả năng, đóng góp vào chất lượng hoạt động của Quốc hội? Báo Giao thông phỏng vấn TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Chuyên trách không chưa đủ

Nhìn lại từ Quốc hội Khóa IX, X, tỷ lệ đại biểu chuyên trách chỉ có 5% - 7%, đến Khóa XIII, XIV, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 30% và gần 35%. Với tỷ lệ 40% trong Khóa XV, ông có cho rằng đây là xu hướng tất yếu và là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động Quốc hội đang tiến gần hơn tới sự chuyên nghiệp?

Đây quả thực là một xu hướng rất tích cực. Tuy nhiên, chuyên trách và chuyên nghiệp là hai chuyện khác nhau. Chuyên trách là chuyên đảm trách một việc gì đó. Chuyên nghiệp là chuyên đảm trách một việc yêu thích và làm tốt việc đó.

Như vậy, chuyên trách mới chỉ là một nửa của chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không chuyên trách thì khó có thể chuyên nghiệp. Bởi, không ai có thể trở thành chuyên nghiệp nếu chỉ dành 1/3 thời gian cho công việc như các đại biểu kiêm nhiệm cả.

Cho nên, chuyên trách là quan trọng, nhưng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ sẽ phải là đam mê, là năng khiếu và khả năng được tái cử nhiều lần.

Trong số 200 đại biểu Quốc hội chuyên trách (40%) của Quốc hội Khóa XV này sẽ có bao nhiêu vị hội đủ đam mê và năng khiếu, thì qua hoạt động cụ thể của họ trên nghị trường chúng ta mới có thể biết được.

Cái chúng ta dễ biết hơn là có bao nhiêu vị đã được tái cử nhiều lần. Tuy nhiên, điều này cũng phải chờ đến khi kết quả bầu cử được công bố chính thức mới có thể xác định được.

Ngoài tiêu chuẩn chung, đại biểu chuyên trách kỳ này còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện như trình độ đào tạo đại học trở lên, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ Vụ trưởng, Giám đốc Sở, ngành... Với những thay đổi như vậy, ông kỳ vọng thế nào về chất lượng hoạt động của Quốc hội trong khóa tới?

Những tiêu chuẩn nói trên quả thật là rất cần thiết. Đại biểu chuyên trách cần phải có trình độ. Nhưng, như trên đã đề cập, để các đại biểu chuyên trách nhanh chóng trở thành chuyên nghiệp thì các phẩm chất như sự đam mê và năng khiếu sẽ là điều không thể thiếu.

Làm chính khách (làm đại biểu) là một nghề rất khó. Không có đam mê và không có năng khiếu thì khó có thể làm tốt được. Mà có vẻ như nghề nào cũng vậy, có đam mê, có năng khiếu mới có thể đạt tới đỉnh cao của nghề nghiệp.

Luật sửa nhiều, ai chịu trách nhiệm?

Các đại biểu chuyên trách được xem là nòng cốt trong công tác lập pháp. Tuy nhiên, nhìn lại có thể thấy một số văn bản luật chất lượng chưa cao, phải sửa đổi rất nhiều ngay khi vừa ban hành. Điển hình như Bộ luật Hình sự năm 2015 hay Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 (sửa đổi)... Theo ông, đâu là lỗ hổng trong quy trình làm luật hiện nay? Vai trò và trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách nên được nhìn nhận thế nào?

Theo hệ thống chuẩn mực của chúng ta, các đại biểu chuyên trách chắc chắn phải chịu một phần trách nhiệm.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, cần phải có một sự phân công, phân nhiệm mạch lạc và chính xác hơn ở đây. Các đại biểu là các chính khách. Các chính khách phải chịu trách nhiệm về chính sách, chứ không phải về kỹ thuật văn bản.

Lỗi chính sách các đại biểu Quốc hội, mà trước hết là các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải chịu trách nhiệm. Lỗi kỹ thuật các nhà soạn thảo văn bản phải chịu trách nhiệm. Trong hệ thống của chúng ta đang có không ít sự lẫn lộn về chức năng. Và đây chỉ là một ví dụ cụ thể.

Trong quy định hiện hành, địa vị pháp lý của đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm cơ bản là như nhau, điểm khác nhau chỉ là thời gian hoạt động ở Quốc hội. Việc tăng thêm 5% đại biểu chuyên trách có ý nghĩa như thế nào với hoạt động Quốc hội? Liệu tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa có được hạn chế hơn không?

Khó có thể đo đếm chính xác số lượng các đại biểu chuyên trách tăng lên 5% thì chất lượng hoạt động của Quốc hội hay chất lượng xây dựng pháp luật có tăng lên hay không.

Tuy nhiên, sẽ có thêm 5% đại biểu có nhiều thời gian hơn để giữ mối quan hệ với cử tri, để tham vấn ý kiến của cử tri và ý kiến chuyên gia về các chính sách lập pháp đang được xem xét. Sẽ có thêm 5% đại biểu có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và thẩm định các dự án luật.

Sẽ có thêm 5% đại biểu có thêm thời gian để phát triển các kỹ năng làm chính khách, trong đó kỹ năng giám sát và áp đặt trách nhiệm giải trình.

Mọi chuyện còn phụ thuộc vào việc các vị đại biểu chuyên trách sẽ sử dụng nguồn lực thời gian mình có được như thế nào.

Ông có cho rằng, ngay cả khi các đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc rất chuyên nghiệp thì tác động đến hiệu quả chung của hoạt động Quốc hội cũng bị hạn chế, vì tính đại diện và quyền biểu quyết của tất cả các đại biểu là như nhau? Chẳng hạn như việc thông qua một dự án luật, có 40% đại biểu chuyên trách nhất trí, nhưng 60% đại biểu kiêm nhiệm không nhất trí?

Tôi không cho như thế. Biểu quyết chỉ là kết quả cuối cùng của một quy trình. Quy trình đó sẽ làm cho chính sách và các mặt được, mất của chính sách đó trở nên minh bạch. Các đại biểu sẽ biểu quyết căn cứ vào lòng tin của mình về sự đúng đắn và hiệu quả của chính sách hơn là vào tính chuyên nghiệp của các đại biểu chuyên trách.

Ngoài ra, biểu quyết chỉ là một phần khá nhỏ trong hoạt động của Quốc hội. Tranh luận để bảo đảm sự minh bạch của chính sách, chất vấn để bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ… mới là những mảng công việc chiếm nhiều thời gian hơn.

Cần có thư ký và phụ cấp gần bằng lương

img

Chậm nhất vào ngày 12/6, kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ được công bố (Trong ảnh: Cử tri bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Có ý kiến cho rằng, việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách cần xuất phát từ nhu cầu nâng cao vai trò của các Ủy ban của Quốc hội. Bởi thực tế, gánh nặng hoạt động của các Ủy ban hiện đang dồn vào bộ phận thường trực với chỉ 8 đến 10 đại biểu chuyên trách. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Về cơ bản, tôi đồng ý với ý kiến trên. Thực chất, “Quốc hội ở phiên họp toàn thể chỉ là Quốc hội trình diễn. Quốc hội ở các Ủy ban mới là Quốc hội làm việc”.

Muốn làm việc thì phải có đủ nhân lực. Ngoài ra, phiên họp toàn thể của Quốc hội chỉ là công cụ để xem xét các vấn đề ở tầm chính trị của chính sách. Các vấn đề về kỹ thuật của chính sách phải được xem xét ở các Ủy ban. Mà đã xem xét các vấn đề kỹ thuật thì phải có chuyên môn.

Chính phủ và các Bộ chuyên môn hóa rất sâu. Trong lúc đó, các Ủy ban lại phụ trách những mảng công việc của rất nhiều Bộ. Không đủ nhân lực để bảo đảm một sự chuyên môn hóa nhất định, các Ủy ban sẽ rất khó khăn.

Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu chuyên trách được cho là rất quan trọng, từ thu nhập cho đến điều kiện hoạt động... Ông có đề xuất gì để đại biểu chuyên trách thực sự là cánh tay nối dài của các cơ quan của Quốc hội?

Tôi cho rằng, các đại biểu chuyên trách cần có thư ký hành chính giúp việc. Ngoài ra, cần có sự trợ giúp về quy trình, thủ tục và về dịch vụ nghiên cứu.

Rõ ràng, để thu hút người có đủ phẩm chất, năng lực làm đại biểu chuyên trách thì cần tạo điều kiện và có cơ chế hỗ trợ phù hợp để họ hoạt động.

Theo ông, ngoài việc cần có thư ký giúp việc thì thu nhập của đại biểu chuyên trách nên quy định thế nào? Hiện nay, chế độ thu nhập của đại biểu chuyên trách được quy định ra sao?

Theo tôi hiểu, thu nhập của đại biểu chuyên trách cơ bản chỉ là lương. Lương thì theo thang bảng chung của Nhà nước. Mà như vậy thì thu nhập chắc chắn không cao. Nếu lương của Chủ tịch nước, của Thủ tướng còn không cao, thì làm sao lương của đại biểu chuyên trách có thể cao?

Tôi nghĩ là để tạo điều kiện cho các đại biểu chuyên trách thì cần có thêm phụ cấp. Nhiều nước trên thế giới đều có thêm phụ cấp gần bằng lương cho các nghị sĩ.

Theo ông, để tiến đến một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, tỷ lệ đại biểu chuyên trách nên là bao nhiêu %?

Theo tôi, quan trọng là phải xác định xem những đổi mới từng bước như hiện nay có dẫn tới việc xác lập một hệ chuẩn mới hay không. Nếu câu trả lời là có, thì việc xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp mới có thể khả thi. Với một Quốc hội chuyên nghiệp, thì 100% đại biểu phải hoạt động chuyên trách.

Hiện, trong thiết kế bộ máy của Văn phòng Quốc hội vẫn có các Vụ chức năng như Vụ pháp luật, tư pháp, kinh tế, tài chính - ngân sách, quốc phòng - an ninh, các vấn đề xã hội để giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Trong khi đó, đã có các Ủy ban của Quốc hội hoạt động với những lĩnh vực tương tự. Với việc tăng dần tỷ lệ đại biểu chuyên trách, tới đây liệu có nên duy trì việc thiết kế bộ máy như vậy?

Theo tôi, về cơ bản nên giữ bộ máy như hiện nay. Chỉ cần có thêm thư ký cho các đại biểu chuyên trách. Các thư ký này, các đại biểu chuyên trách tự tuyển và Văn phòng Quốc hội trả lương, nhưng không thuộc biên chế của Văn phòng Quốc hội.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.