Trẻ cần được trang bị kiến thức phòng vệ khi sử dụng internet |
Lời cầu cứu của một học sinh lớp 9
Trong một cuộc tọa đàm chính sách về bảo vệ quyền trẻ em mới đây, ông Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Codes) đã nói về những chia sẻ “bị lạm dụng qua mạng xã hội” của không ít bạn trẻ. Trong đó, tổng đài của trung tâm đã nhận một cuộc gọi cầu cứu của một nữ sinh lớp 9 ở Hà Nội. Qua trao đổi, chuyện “rắc rối” của nữ sinh này bắt nguồn từ một mối quan hệ trên mạng xã hội với một người phụ nữ. Bạn trẻ này cả tin nghe lời “tâm sự” cần thu thập mẫu sinh trắc học của trẻ để cho công ty làm giày và “lời hứa” sẽ tặng giày mới sau khi cung cấp thông tin. Sau khi livestream khỏa thân cho người phụ nữ này xem, nữ sinh đã bị ép phải làm nhiều động tác khiêu dâm khác theo yêu cầu, nếu không sẽ bị tung hình ảnh lên mạng. Đây là một trong nhiều tình huống trẻ bị lạm dụng tình dục thông qua mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Quốc Phong, chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em, việc sử dụng internet không an toàn khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất an, trong đó có thể là bị xâm hại tình dục. Lý giải về điều này, ông Phong cho hay, nếu như trước chỉ có “cứu nét“ khi chat Yahoo, thì hiện nay với phương tiện công nghệ sẵn có như smartphone và wifi phủ sóng khắp nơi, kẻ xấu dễ dàng tìm kiếm, dụ dỗ, lôi kéo, tống tiền, rồi xâm hại tình dục trẻ em… khi trẻ không có kỹ năng nhận biết, xử lý và sử dụng internet một cách an toàn.
Thậm chí, việc kết nối qua công nghệ thông tin còn là công cụ tiếp tay cho tội phạm xuyên biên giới, xâm hại tình dục du lịch với đối tượng đích là trẻ em, dụ dỗ trẻ cung cấp hình ảnh, truyền trực tiếp hình ảnh khỏa thân qua Facebook và các phần mềm giao tiếp xã hội khác. Không những vậy, việc khó kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội khiến tình trạng bạo lực học đường, hay việc trẻ kết nhóm chơi, gây áp lực, bắt nạt bạn bè… Điển hình như nhiều clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Đưa giáo dục an toàn công nghệ vào nhà trường
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD Việt Nam), khi trẻ tham gia mạng xã hội, bên cạnh cơ hội được tiếp cận nguồn thông tin phong phú trên mạng, mặt trái của nó là nguy cơ chịu nhiều rủi ro, bị lạm dụng, xâm hại. Vì vậy, bảo vệ trẻ trên môi trường mạng đang là vấn đề cấp bách. Hiện, MSD Việt Nam đẩy mạnh vận động chính sách đưa an toàn mạng xã hội vào giáo dục trong nhà trường. “Khi trẻ em tiếp cận với “Internet vạn vật”, trách nhiệm của người lớn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ, những nhà giáo dục, cộng đồng, truyền thông, cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội là cần nâng cao nhận thức cho trẻ về những rủi ro của môi trường mạng và hỗ trợ các em trở thành những “công dân số” thông minh, biết lựa chọn”, bà Linh cho biết.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng… |
Dù mới được thí điểm thực hiện tại trường THPT Thực Nghiệm (Hà Nội) về giáo dục an toàn công nghệ, thày giáo Đặng Đức Toàn (người trực tiếp hướng dẫn học sinh) chia sẻ, dự án nhỏ này đã bước đầu thay đổi nhận thức của các em học sinh về khái niệm “an toàn khi sử dụng mạng xã hội”. Qua đó, các em biết cách bảo mật thông tin, hình ảnh của chính mình khi tham gia mạng xã hội, sàng lọc kết bạn “ảo”, không tò mò, cổ vũ hay a dua với những hoạt động “xấu” trên mạng xã hội.
Em Hoàng Minh, học sinh lớp 11A trường THPT Thực Nghiệm cho biết: “Nếu như trước kia, bọn em thường tò mò và clik chuột vào những đường link lạ, thì nay bọn em cảnh giác hơn và tuyệt đối không làm việc đó. Hay đơn giản như việc bấm nút đồng ý trước tất cả các lời đề nghị kết bạn của người lạ”.
Về vấn đề này ông Phong cho biết thêm, bên cạnh việc giáo dục kiến thức công nghệ thông tin cho trẻ trong nhà trường, chính cha mẹ cần giáo dục cho trẻ thêm kỹ năng sống để trẻ chủ động nhận biết nguy cơ. Theo ông Phong, cách tốt nhất để trẻ không bị dụ dỗ trên mạng là xây dựng hàng rào bảo vệ con bằng cách trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được ai có thể làm quen, không được nói chuyện, tiếp xúc với người lạ trên mạng…
Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của chính các đơn vị cung cấp dịch vụ, thông tin mạng với trách nhiệm báo cáo trực tuyến những trang thông tin độc hại… cho người sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận