Ảnh minh họa |
Trao đổi với Báo Giao thông về những kết quả đạt được của công tác vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) và phong trào nữ CBCNVC ngành GTVT giai đoạn 2013-2017, Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, tại 66 công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc công đoàn ngành, có hơn 19,3 nghìn nữ CNVCLĐ, chiếm 25% tổng số lao động. Tuy chỉ là “số ít” nhưng trên hầu hết các lĩnh vực của ngành đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của nữ CNVCLĐ vào kết quả và thành tích của ngành.
Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó động viên nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ, nắm bắt kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị trong ngành GTVT đều xác định tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, công tác VSTBPN nhằm từng bước nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động về lĩnh vực này. Thực hiện lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình hàng năm của đơn vị. Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ là công tác nữ công, VSTBPN cấp mình và các đơn vị trực thuộc.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nữ công, chị Nguyễn Thị Hoa, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay VN cho biết, Tổng công ty có 1.245 lao động nữ, chiếm 34,5% tổng số lao động TCT. Để khẳng định và nâng cao vai trò nữ CBCNV, cần tăng cường tuyên truyền để chị em nâng cao nhận thức, đặc biệt về hội nhập, thời cơ và thách thức đối với lao động nữ để chị em ý thức chủ động khắc phục khó khăn, tích cực học tập nâng cao trình độ, nắm bắt kiến thức mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khi chị em đã nỗ lực, cố gắng, đơn vị cần có chính sách coi trọng công tác cán bộ nữ, tạo môi trường bình đẳng giữa nam và nữ để phát triển cán bộ nữ.
Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt cho rằng, ngành Giao thông là ngành kĩ thuật có nhiều công việc nặng nhọc, vất vả, kể cả trong những công việc tưởng như nhàn hơn như xây dựng văn bản, quy phạm pháp luật, tham mưu quản lý... Tuy nhiên, các chị em còn thiếu tự tin, không dám thể hiện, khẳng định mình. “Chúng ta đang vươn tới sự bình đẳng thực sự, vì vậy chị em cần xóa bỏ sự thiếu tự tin đó, cần thay đổi để làm sao khẳng định vai trò. Về phía Công đoàn cần phối hợp với chuyên môn có những chương trình hướng về phụ nữ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của nữ CBCNVC”, ông Việt nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận