Vận tải ven bờ đã có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2015, góp phần giảm tải cho đường bộ đáng kể và đang trên đà phát triển trong các năm tiếp theo - Ảnh: Huy Lộc |
Tuy nhiên, kết quả này được đánh giá vẫn chưa xứng với tiềm năng. Làm gì để tăng gấp đôi sản lượng tuyến vận tải này?
Yếu kết nối, thiếu nguồn hàng
Là doanh nghiệp nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, ông Vũ Đức Then, Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Trường Xuân cho biết, thiếu hàng hóa là tình trạng chung của các doanh nghiệp vận tải biển từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào, lương thuyền viên, lệ phí bến cảng… không ngừng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp chạy tuyến vận tải sông pha biển.
“Năm 2015, số chuyến hàng vận tải của doanh nghiệp giảm 20% so với năm 2014. Nhiều chuyến vận tải hàng một chiều, phải đỗ dài ngày do thiếu hàng”, ông Then nói.
"Cảng nào có lượng hàng hóa cần vận chuyển lớn nhưng thiếu đường để kết nối giữa cảng và đường bộ sẽ được xem xét làm ngay để tăng tính kết nối. Cùng đó, các khu kinh tế tăng trưởng nhanh, nhu cầu vận tải lớn sẽ được xem xét đầu tư hạ tầng để các phương thức vận tải kết nối hài hòa”. |
Ông Lê Minh Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại vận tải biển Trường Lộc chia sẻ, ngoài việc thiếu kết nối, hiện nguồn hàng rất khó khăn. Nhu cầu luân chuyển hàng hóa sụt giảm từ 20 - 30%, giá cước giảm từ 40 - 60% dẫn đến tình trạng dư thừa trọng tải, nên lợi nhuận của doanh nghiệp rất thấp. Hiện giá cước đi bằng đường thủy vẫn cao hơn so với đường bộ do phải thêm khâu bốc dỡ lên, xuống. Chi phí cho bốc dỡ chiếm 3% đối với container, nếu hàng rời có khi lên tới 5%. Trong khi đường bộ xe chạy một mạch đến cửa kho, không phải chịu chi phí này.
Ông Huấn cũng cho biết, nhiều đại lý, chủ hàng áp đặt giá, phí hoa hồng cao từ 2,5 - 3,5%/chuyến khiến lợi nhuận từ các chuyến vận tải giảm, doanh nghiệp phải “khéo co” may mới có lãi.
Đồng quan điểm với các doanh nghiệp, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, nguồn hàng vận chuyển hiện chủ yếu một chiều từ Bắc vào miền Trung, miền Nam, còn chiều ngược lại ít. “Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp vận tải cần tính đến chuyện gom hàng, lập đại lý để có nguồn hàng vận chuyển hai chiều, tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến cơ chế kết nối, chuyển tải hàng hóa từ hàng hải sang đường thủy để tạo nguồn hàng cho vận tải thủy vào sâu trong nội địa”, ông Giang phân tích.
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện tổng số có 747 chiếc tàu sông pha biển cấp (VR-SB) đang hoạt động trên các tuyến ven biển. “Khi đường bộ tiếp tục siết chặt quản lý tải trọng, vận tải trên tuyến này tăng. Năng lực đóng, mẫu mã phương tiện hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nhưng để thu hút vận tải, cần tính đến khả năng xếp dỡ hàng hóa tại các đầu bến và sự kết nối giữa các phương thức vận tải”, ông Học nói và cho biết thêm, nếu thời gian chờ hàng hóa lâu, trung chuyển từ cảng bến đến chân hàng mất nhiều chi phí có khi lại rơi vào tình trạng “tính đi thì lãi, tính lại thì lỗ”, khiến vận tải ven biển mất tính hấp dẫn.
Đánh giá về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, tính kết nối giữa các phương thức vận tải từ đường sắt, đường bộ, đường thủy còn một số rào cản về đầu tư hạ tầng luồng tuyến. Thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, sách nhiễu. Bên cạnh đó, kho gom hàng (ICD) thiếu, phương tiện chở hàng rời chưa đồng bộ, việc nạo vét luồng, một số tuyến đường thủy chưa đồng bộ giữa cầu và luồng, tĩnh không cầu chưa đảm bảo dẫn đến hạn chế tàu lớn lưu thông.
Thứ trưởng Thọ cho biết thêm, hiện chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tuyến vận tải SB. Dù đầu tư phương tiện lớn, nhưng không có thị trường nguồn hàng ổn định nên doanh nghiệp còn gặp khó khăn.
Vận tải thủy được các nhà đầu tư quan tâm vì giá rẻ hơn các loại hình vận tải khác - Ảnh: Tạ Tôn |
Gỡ “rào cản” có thể tăng gấp đôi sản lượng
Công tác tái cơ cấu vận tải đang được Bộ GTVT đặc biệt coi trọng. Hiện vận tải đường bộ chiếm thị phần khoảng 70%. Do đó, tuyến vận tải SB được kỳ vọng sẽ san sẻ gánh nặng cho đường bộ. Tuy nhiên, ông Hoàng Hồng Giang nhìn nhận, tuyến vận tải ven biển vẫn còn nhiều hạn chế về quản lý. Dù đã thu hút được đáng kể phương tiện nhưng thực sự chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của ngành GTVT.
“Phương tiện vận tải tuyến ven biển liên quan đến cả thủ tục đường thủy và hàng hải, nhưng hiện chưa có sự liên thông giữa hai lĩnh vực. Phương tiện khi đến nhiều cảng biển phải thực hiện theo thủ tục tàu biển, phải có hoa tiêu, tàu lai dắt hoặc có khi đi qua luồng hàng hải để vào cảng thủy nội địa phải trình báo hai lần… Trách nhiệm gỡ vướng mắc là của cơ quan Nhà nước”, ông Giang nói và cho biết, Cục Đường thủy nội địa VN đã được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Cục Hàng hải VN, Đăng kiểm VN đề xuất giải pháp tháo gỡ để có cơ chế có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo tháo gỡ triệt để thủ tục hành lang pháp lý cho tuyến vận tải ven biển. Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Hàng hải đang chủ trì rà soát thủ tục hành chính, đầu tư hạ tầng, vướng ở đâu sẽ tập trung tháo gỡ ngay bằng những việc cụ thể, tránh chung chung.
Bản thân doanh nghiệp cần chủ động đổi mới cung cách quản lý, tìm chân hàng, tìm phương thức vận tải, tổ chức vận tải hợp lý. Cơ chế quản lý thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tăng tính kết nối, chắc chắn sẽ nâng năng lực vận tải tuyến ven bờ, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Khi đó, giá thành vận tải đường bộ sẽ phù hợp. “Nếu chúng ta làm tốt các giải pháp, sản lượng vận chuyển hàng hóa ven bờ sẽ tăng nhanh, không phải 10 triệu tấn nữa mà có thể sẽ gấp đôi, lên 20 triệu tấn/năm. Thậm chí, có thể sẽ còn tăng cao hơn con số này”, Thứ trưởng Thọ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận