Hỏi:
Tôi được biết nếu chậm trễ phát hiện thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ có nguy cơ hoại tử ruột với bé trai và hoại tử buồng trứng với bé gái. Vậy, làm sao để phát hiện tình trạng này ở trẻ, thưa bác sĩ?
Thanh Lam (Hà Nội)
Ảnh minh họa
BS. Nguyễn Việt Hoa, Khoa Phẫu thuật Nhi và Sơ sinh, Bệnh viện Việt Đức trả lời:
Thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh không tự hết. Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ 7, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc.
Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại, nếu ống này không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở bé trai và thoát vị ống nuck ở bé gái.
Nếu bệnh không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt dẫn đến các hậu quả như gây hoại tử ruột, buồng trứng; tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt.
Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn bìu ở bé trai và vùng gần âm môi ở bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục.
Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường.
Khi thoát vị bẹn đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc kêu đau hoặc bỏ bú, nôn ói ở trẻ nhỏ. Thường ghi nhận có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó ở trẻ, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi.
Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận