Cảnh Điềm thành mồi câu khán giả Trung Quốc trong phim “Kong: Skull Island” |
Những năm gần đây, dấu ấn ảnh hưởng của Trung Quốc đã và đang rõ nét hơn trong các sản phẩm điện ảnh Hollywood. Những bộ phim bom tấn của Hollywood mang màu sắc “nịnh đầm” đất nước tỷ dân, khiến bộ phim mất đi nhiều sắc thái trong nội dung.
“Cái bánh ngọt” Trung Quốc
Lịch sử công nghiệp điện ảnh thế giới đang chứng kiến một sự chuyển dịch kì lạ. Thị trường phòng vé Trung Quốc dần vươn lên, de dọa ngôi vị số một của thị trường Bắc Mỹ. Năm 2014, các rạp chiếu Hoa ngữ thu về 4,55 tỷ USD lợi nhuận. Chỉ một năm sau, con số ấy đã phi mã lên 6,78 tỷ USD, tăng 41%. Sức hút của thị trường này còn được phản ánh ở số rạp chiếu được xây dựng. Trong năm 2014, người Trung Quốc dựng lên 8.000 rạp chiếu mới, bằng 20% tổng số rạp cả nước Mỹ cộng lại.
Phát biểu trên chuyên trang kinh tế The Street, chuyên viên phân tích dữ liệu Paul Dergarabedian dự đoán: “Nửa cuối thập kỷ tới (khoảng năm 2030), thị trường điện ảnh Trung Quốc sẽ phình ra gấp đôi so với Bắc Mỹ”. Đây không phải phát biểu suông, bởi năm 1989, bộ phim lãi nhất Hollywood là Batman có khoảng 60% doanh thu nội địa. Nhưng đến năm 2016, Batman V Superman lại có 62% doanh thu đến từ bên ngoài nước Mỹ, trong đó, có 20% nhờ rạp chiếu Trung Quốc.
Không ít bộ phim Mỹ tưởng chừng thua liểng xiểng ở quê nhà lại tỏa sáng ở bờ Đông châu Á. Lấy ví dụ điển hình năm 2013, sản phẩm hành động Need for Speed bỏ ra 66 triệu USD, nhưng chỉ thu về 43 triệu ở Bắc Mỹ. Phim suýt sập tiệm cho tới khi được phát hành ở Trung Quốc, thu về 66 triệu USD cứu vãn tình thế.
Tương tự, bom tấn sử thi Warcraft chút nữa thành bom xịt năm 2016. Hãng Universal đầu tư 160 triệu USD nhưng lợi nhuận ở Bắc Mỹ chỉ bằng 1/3 chi phí. Phim tưởng chừng lỗ nặng cho tới khi khán giả Trung Quốc ồ ạt ra rạp và đem về số lợi nhuận không tưởng là 220 triệu USD.
Nối dài danh sách này còn có Kungfu Panda 3, Fast and Furious 7, Transformer 4... Điểm chung đều là: Nếu không có mặt ở “thị trường tỷ dân”, tất cả sẽ thất bại ê chề.
Lật tẩy chiêu bài khôn lỏi của Hollywood
Nắm bắt mùi lợi nhuận từ phòng vé Trung Quốc trở nên đậm đà từng ngày, kinh đô điện ảnh thế giới không thể làm ngơ. “Tứ đại gia” - các nhà sản xuất phim như: Wanner Bros, Legendary, Universal, 20th Century Fox bắt đầu tìm mọi cách xâm nhập thị trường tỷ dân.
Cách đơn giản nhất là cài diễn viên Hoa ngữ vào dàn casting. Trước đây, công thức này thường chỉ xoay quanh Thành Long và Lý Liên Kiệt, hiếm hoi nữa là Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh. Hiện tại, càng phim bom tấn thì càng phải có ít nhất 1 cái tên người Hoa: Phạm Băng Băng trong X-Men: Day of Future Past, Lý Băng Băng trong Transformer 4, Chân Tử Đan trong Star War: Rogue One, Ngô Diệc Phàm trong XXX: The Return of Xander Cage, Cảnh Điềm trong Kong: Skull Island…
Sự “khôn lỏi” hay “nịnh đầm” của Hollywood còn thể hiện ở việc nhồi nhét các loại hàng hóa Trung Quốc vào phim. Năm 2014, bộ phim Transformer 4 được thống kê có tới hơn chục thương hiệu bản địa rải rác khắp các cảnh quay như: Máy tính Lenovo, nước khoáng C’est bon Water, sữa bò tiệt trùng Thư Hoa… Trước đó, phim Looper còn đổi bối cảnh từ Paris sang Thượng Hải chỉ để có cảnh những tòa cao ốc treo bảng điện tử nhãn hiệu Trung Quốc. Captain America 3: Civil War (2016) thì để một tỷ phú công nghệ Mỹ sử dụng điện thoại Vivo Phone, quay rõ đến tận logo.
Sâu hơn, khán giả sẽ dần nhận ra: Vị thế của “đất nước tỷ dân” trong các sản phẩm Hollywood đã không còn yếu đuối. Năm 1997, chi tiết trong phim James Bond còn có thể một mình “hạ nhục” cả một hạm đội hải quân Trung Quốc trong Tomorrow Never Dies. Đến năm 2013, hình ảnh Trung Quốc trong phim Pacific Rims là một trong 5 nước hiếm hoi đóng được robot khổng lồ. Cùng năm 2013, bộ phim Gravity - gây tiếng vang ở Oscar đã mô tả con tàu vũ trụ Thiên Cung hiện đại tới mức thành cứu tinh cho phi hành gia người Mỹ. Năm 2015, cũng là một bộ phim đề cử Oscar khác - The Martian, có cảnh phim Giám đốc NASA phải lục đục đến tận cửa Cục Hàng không Vũ trụ Trung Quốc để xin giúp đỡ.
Lợi thì có lợi…
Tuy nhiên, góc khuất đằng sau cuộc Đông tiến của Hollywood chính là chất lượng tác phẩm bị ảnh hưởng. Hàng loạt phim để được ra rạp ở Trung Quốc đã chấp nhận cắt xén phần lớn thời lượng. Phim khoa học viễn tưởng đình đám Cloud Atlast đã bỏ đi tận 30 phút cảnh giường chiếu để được chiếu ở Đại Lục. Siêu phẩm Iron Man 3 thì thay đổi gốc gác nhân vật phản diện đình đám Mandarin, từ người gốc Hoa thành gốc Anh. Bi thảm nhất là Cướp biển Caribe 3, toàn bộ các cảnh quay có mặt Châu Nhuận Phát bị cắt phăng. Lý do bởi một tay cướp biển người Trung Quốc sẽ khiến phim khó qua ải kiểm duyệt.
Nực cười hơn là ở chỗ, việc tuyển diễn viên Trung Quốc bây giờ khác xa những năm đầu thập niên 2000. Những gương mặt như: Thành Long, Lý Liên Kiệt, Dương Tử Quỳnh được tận dụng để phô diễn món lạ - võ công Trung Hoa cho khán giả phương Tây. Họ thường được đóng vai chính, có đất diễn thừa thãi. Giờ thì ngược lại, một cái tên diễn viên Hoa ngữ chỉ là để lên poster, “câu” khán giả ra rạp. Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng, Chân Tử Đan… chỉ được đóng những vai phụ, vô cùng nhạt nhòa. Cảnh tượng “có cũng như không” thảm nhất hẳn phải là Cảnh Điềm xuất hiện trong Kong: Skull Island mới đây, chỉ với khoảng 5 phút thời lượng và 10 câu thoại.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng, Hollywood còn lâu mới chùn tay. Nhà sản xuất James Schamus, được biết tới qua những phim: Ngọa Hổ Tàng Long, Brokeback Moutain… thốt lên vì sự tăng trưởng khủng khiếp này rằng: “Thị trường phòng vé Trung Quốc bây giờ và tương lai 20 năm nữa sẽ khác biệt như ngày và đêm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận