ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XIII - Ảnh: P.V |
“Từ khi chứng kiến những cải cách hành chính ở Bộ GTVT, tôi như có thêm động lực để xây dựng một Dự án luật về Hành chính công, làm sao rút gọn được nhiều thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp”.
Ngày 17/2, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 45, nữ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đã lần đầu tiên trình ra Dự án Luật Hành chính công. Điều đáng chú ý, đây chính là sáng kiến lập pháp của cá nhân bà.
Cải cách hành chính ở Bộ GTVT là “động lực”
Thưa bà, xuất phát từ đâu bà quyết định dành tâm huyết, sức lực của mình cho việc chuẩn bị và xây dựng Dự án Luật Hành chính công?
Xuất phát đầu tiên là tôi thấy rất “thương” các Bộ trưởng. Các Bộ trưởng đều là những người xứng đáng được lựa chọn. Họ cũng rất vất vả nhưng khi ra Quốc hội lúc nào Bộ trưởng cũng bị xoay ra chất vấn. Nhiều khi “quay” đến nỗi cho các Bộ trưởng dù làm tốt cũng có khi lúng túng và bị “chấm điểm kém”. Tôi nghĩ tại sao lại có sự xa cách, căng thẳng như thế và với tư cách là người am hiểu luật, tôi phải tìm cách xóa đi sự xa cách đó. Từ đó, tôi tìm xem vướng mắc nằm ở đâu, rồi nghĩ làm sao để mỗi lần họp Quốc hội bớt đi căng thẳng không cần thiết, tập trung vào các vấn đề quốc kế dân sinh hơn. Thay vì cứ đi truy trách nhiệm của nhau thì tại sao không tạo ra một hành lang pháp lý cho thật tốt?
Bà Trần Thị Quốc Khánh sinh năm 1959, quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật, Cử nhân Báo chí. Bà là ĐBQH các khoá XI, XII, XIII, thuộc đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đồng thời là ĐB chuyên trách T.Ư. Hiện, bà là Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ban thường trực nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. |
Tôi bắt đầu đọc các báo cáo về cải cách hành chính. Bất cứ cái nào có vấn đề quy định pháp luật không rõ ràng, còn vướng mắc là tôi đánh dấu lại, đánh dấu nhiều đến mức lúc đó tôi mới phát hiện ra tại sao lại có nhiều lỗ hổng như thế. Tôi nghĩ mình phải làm một Luật, phải đưa ra được cái gì đó để khắc phục những lỗ hổng này. Mình phát hiện vấn đề rồi thì phải tìm cách để thay đổi.
Đặc biệt, tôi còn lấy động lực từ những cải cách của Bộ GTVT. Đây là Bộ điển hình về cải cách hành chính mà tôi quá ngưỡng mộ. Trước khi làm tôi có gửi công văn đề nghị các Bộ có báo cáo để tôi tổng hợp, làm căn cứ xây dựng Dự án Luật Hành chính công. Sau khi nhận và đọc báo cáo của Bộ GTVT gửi, tôi thấy “sướng” vô cùng, tôi đánh giá đó là báo cáo rất sâu sắc và có đọc, nghiên cứu mới thấy hết tâm huyết của người lãnh đạo Bộ dành cho đơn vị mình quản lý.
4 năm ròng rã theo đuổi
Vậy bà bắt tay thực hiện từ khi nào? Và tính đến thời điểm trình Dự Luật này ra Thường vụ Quốc hội, bà đã mất thời gian bao lâu?
Trong 4 năm ròng rã, từ năm 2013 đến nay, tôi dành toàn bộ sức lực và tâm huyết cho việc xây dựng Luật Hành chính công.
Trong 4 năm liên tục, lúc nào tôi cũng đề nghị, theo đuổi Dự án Luật Hành chính công. Và đến phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 45, tôi mới có cơ hội được trình ra. Tôi đeo đuổi đến nỗi cả Quốc hội nói: “Cứ thấy chị Khánh là thấy hành chính công”. Như kỳ họp vừa qua, mỗi lần tôi phát biểu mọi người đều nói: “Cô này giỏi thật, cứ nói việc A, việc B rồi lại vẫn quay về hành chính công được!”. |
Trước khi làm, tôi đi tìm những cộng sự. Đầu tiên, tôi tìm đến các thầy cô ở khoa Hành chính của Trường Đại học Luật. Mọi người nói tôi nên làm và mọi người ủng hộ tôi. Nhưng ban đầu, nhiều người lại e ngại, không tin tưởng vì nghĩ nó là mảng quá rộng, còn tôi thấy mình đã tìm thấy hướng đi đúng, vấn đề là mọi người chưa hiểu mà thôi, vì thế nên mình phải nghĩ cách làm.
Sau đó, đến các kỳ họp Quốc hội năm 2014, 2015, lúc nào tôi cũng nói về cái đó. Sau những phân tích hợp lý, có cơ sở, đến tháng 5/2015, Thường vụ Quốc hội đã chính thức có báo cáo giải trình tiếp thu và nói rõ: Riêng Luật Hành chính công, đại biểu đã theo đuổi rất lâu và có bước chuẩn bị kỹ nên Thường vụ đề nghị Quốc hội giao cho Viện Nghiên cứu Lập pháp và Văn phòng Quốc hội hỗ trợ đại biểu tiếp tục chuẩn bị, kịp thì trình Quốc hội.
Từ đó, tôi tìm thấy một cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Và cũng từ đó tôi mới nhận được sự hỗ trợ từ Viện Lập pháp và Văn phòng Quốc hội, cùng với tôi tổ chức các buổi hội thảo. Qua đó các vấn đề ngày càng rõ ràng. Mọi người thấy và bắt đầu tâm huyết cùng giúp sức vào làm. Chúng tôi miệt mài làm đêm ngày. Ban đầu trình ra nhóm nghiên cứu là 105 Điều tích luỹ từ những báo cáo, từ phản ánh của báo chí hay lý thuyết trong sách về hành chính công… Sau đó từ những ý kiến góp ý của nhóm nghiên cứu tôi đã tiếp thu và rút ngắn Dự luật này còn 6 chương và 60 điều.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - Ảnh: Lã Anh |
Đảm bảo tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp
Dự Luật này gồm 6 chương, 60 điều, nhưng đâu là vấn đề bà quan tâm nhất?
Tất cả những vấn đề nêu trong Dự luật đều là những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của người dân, doanh nghiệp trong tiến hành các thủ tục hành chính công.
Nhưng cái tôi quan tâm đầu tiên là cần có một nguyên tắc hành chính chung. Trong hệ thống pháp luật của chúng ra có rất nhiều luật nhưng lại như luật chuyên ngành, cho đến giờ chưa có luật nào nói về nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành hành chính. Chỉ có những cái riêng, không có cái chung kết nối nên mới có nhiều chỗ vênh nhau.
Mục tiêu lớn nhất của Dự Luật là phải đảm bảo tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, phải cho dân có quyền lựa chọn dịch vụ công. Dịch vụ công trực tuyến cũng là vấn đề cực kỳ hay. Giờ tất cả vấn đề hành chính công hay dịch vụ công mới chỉ nằm ở Nghị định của Chính phủ, nhiều người dân không thể hiểu. Tôi nghĩ cần đưa vào Luật để mọi người hình dung được nền hành chính của mình gồm những gì, hiểu được quy trình tiến hành làm các thủ tục hành chính. Giờ mỗi Bộ có quy định làm thủ tục một kiểu, chỉ khổ người dân.
“Tôi không nản mà sẽ theo đuổi đến cùng”
Đã có nhiều ý kiến e ngại cho rằng, dự thảo luật là viển vông, không khả thi, có khi nào bà cảm thấy nản lòng?
Không. Chưa bao giờ tôi thấy nản chí. Mọi thứ, mọi kinh phí trước mắt hầu hết tôi phải “bỏ tiền túi” nhưng tôi không quan tâm đến điều đó vì mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người hiểu vấn đề. Rất may, tôi không phải dành nhiều thời gian cho gia đình nên cũng có điều kiện tập trung nghiên cứu và được mọi người trong gia đình ủng hộ, tạo điều kiện.
Thời gian đầu nhiều người không tin tưởng là tôi có thể làm được. Họ vạch ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, tôi lại không coi đó là vướng mắc mà tôi coi đó là động lực thôi thúc mình phải cố gắng hoàn thiện. Ai nói gì cũng không làm tôi nhụt chí. Tôi chỉ cho rằng mọi người không đồng ý là vì mọi người chưa hiểu, chưa có đủ thông tin.
Kể cả sau này không tái cử thì tôi vẫn tiếp tục giao cho một ĐBQH khác thay tôi làm. Vì trước mắt, rất nhiều các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ cũng như các ĐBQH đồng tình, ủng hộ tôi.
Sau khi bà trình bày dự thảo tại phiên họp Ủy ban TVQH lần thứ 45, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã khá gay gắt phản đối. Lúc đó bà cảm thấy thế nào?
Tôi cảm thấy tôi có lỗi vì chưa có điều kiện để nói cho mọi người hiểu như tôi đã cùng các chuyên gia làm. Bởi vì nếu được nói hết để mọi người hiểu hết, hiểu đúng thì có lẽ đã khác. Nhưng dù thế nào tôi cũng không nản, tôi cũng sẽ vẫn tiếp tục. Tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn, có thể dành thời gian đi từng Bộ để các Bộ thấu hiểu và ủng hộ.
Cảm ơn bà!
Ấn tượng với cải cách hành chính tại Bộ GTVT “Trong báo cáo Bộ GTVT gửi cho tôi, có thể nói có những cải cách mà chưa một Bộ, ngành nào có thể làm được. Trong khi ở một số Bộ khác người dân vẫn phải đến trực tiếp làm thủ tục, rồi vẫn có tiêu cực phát sinh thì ở Bộ GTVT đã có những dịch vụ trực tuyến, điển hình như việc cấp đổi GPLX qua mạng. Mỗi lần đọc bài báo nói về cải cách như thế, tôi đánh dấu lại để dẫn chứng có Bộ đã làm và làm tốt. Hay như về đối tác công tư, Bộ GTVT cũng triển khai rất tốt. Khi còn là Bộ trưởng, anh Đinh La Thăng đã làm được những việc này. Cải cách hành chính đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn. Bởi vậy mà từ khi anh Thăng về, ngành GTVT đã làm nên những công trình vô cùng lớn và ý nghĩa cho đất nước, đi đâu cũng thấy đường sá phát triển, đổi mới”. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận