Lương công chức, viên chức tăng hơn 32%
Theo dự kiến của Bộ Nội vụ, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm hằng năm, bình quân tính từ năm 2025 là khoảng 7%/năm.
Ngoài ra, còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị khen thưởng. Đồng thời, người đứng đầu có quyền trong việc ban hành cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuê chuyên gia, thu hút và trọng dụng những người có tài năng vào trong khu vực công.
Chính sách tiền lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương, tức là tương quan giữa mức lương thấp nhất, mức lương trung bình và mức lương tối đa hiện nay là 1 - 2,34 - 10 thành 1 - 2,68 - 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68, tức từ 4,2 triệu đồng lên gần 5 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp dự kiến nới từ hệ số 10 lên 12, tức có thể tăng từ 18 triệu đồng/tháng hiện nay lên trên 21 triệu đồng/tháng.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương.
Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Cần tăng lương cho người về hưu
Chia sẻ với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết việc tăng lương lần này rất quan trọng trong việc thực hiện cơ chế đối xử với người lao động, để từ đó họ có thể yên tâm công tác và cống hiến.
Theo ông Thịnh, đáng ra việc thực hiện cải cách tiền lương phải diễn ra từ lâu bởi vấn đề tiền lương là yếu tố quan trọng để giải quyết khó khăn xứng đáng với công sức, trí tuệ của người lao động.
"Về lâu dài, chúng ta cần chuẩn bị chu đáo để có khâu cải cách triệt để. Cần phân trách nhiệm cho từng người để xem xét quyền hạn lao động, từ đó đồng tiền lương trả cho họ mới tương xứng, muốn tăng lương thì phải làm việc đúng với chuyên môn, trình độ và công sức", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Còn ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng việc tăng lương cho công chức, viên chức là mong mỏi của rất nhiều người để đảm bảo cuộc sống.
Theo ông Huân, việc dành nguồn lực lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng để cải cách tiền lương thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước vì đây là vấn đề khó khăn nhất trong các đợt cải cách tiền lương trước đây.
Chuyên gia này cho rằng các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục tinh giản biên chế để từ đó có nguồn lực trả lương, đầu tư cho người tài. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng lưu ý việc tăng lương cho người về hưu.
Bên cạnh tăng lương công chức, từ ngày 1/7 tới, dự kiến lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng 6%, tương đương thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.
Sau khi điều chỉnh, mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.
Với mức tăng 6%, lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng ở các vùng như sau: Vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận