Pháp luật

Cái giá của lãi suất cho vay cao “mờ mắt”

13/09/2019, 07:36

Bài viết “Rúng động Đà Nẵng: Vỡ hụi 100 tỷ, nhà chủ nợ bị bao vây” đăng trên Báo Giao thông ngày 11/9 được chia sẻ nhanh chóng.

img
Bà Hằng thừa nhận đã vay mượn hàng chục người với số tiền hơn trăm tỷ đồng, hiện không có khả năng trả nợ

Bài viết cũng nhận hàng trăm phản hồi của bạn đọc về hộp thư tòa soạn.

Rất nhiều thư bạn đọc đặt câu hỏi sẽ đòi quyền lợi cách nào nếu người cho vay bỏ trốn hoặc không đủ khả năng trả nợ. Nhiều ý kiến khác khẳng định bản chất sự việc là do quá tham lãi suất cao (được cho rằng lên tới 9%/tháng) nên một số người đi vay ngân hàng rồi về cho bà Phạm Thị Tuyết Hằng (SN 1987, trú tại số nhà 6-8 đường Cẩm Nam 4, phường Hoà Xuân, Đà Nẵng) vay lại. Đến khi chủ nợ mất khả năng thanh toán thì không đủ căn cứ, giấy tờ để khởi kiện. Thậm chí, nhiều người còn không dám ra mặt đòi nợ sợ gia đình, dư luận điều tiếng.

Bạn đọc Minh Hòa (Đà Nẵng) viết: “Tôi theo dõi các bài viết trên Báo Giao thông và không hiểu tại sao người ta có thể dễ dàng mang hàng chục tỷ đi cho vay như vậy. Quá rủi ro và cái kết đắng là điều phải nhận khi tham gia các loại hình tín dụng đen như thế này”.

Bạn đọc Mỹ Dung (TP.HCM) bình luận: “Hiện giờ có rất nhiều địa chỉ trên mạng xã hội cho vay nóng, lãi suất cao. Có thể rất nhiều người đã dùng tiền huy động từ người dân như bà Hằng để cho vay lại. Lãi suất chồng lãi suất và rủi ro phải đến khi một khâu trong dây chuyền tín dụng đen này trục trặc. Người dân cần cảnh giác, đừng ham lãi quá cao mà mất cả chì lẫn chài”.

Bạn đọc Tuấn Dũng (Hà Nội) cho rằng nhu cầu vay vốn trong dân là rất lớn và lượng tiền nhàn rỗi trong dân cũng tương đương nên hai bên sẽ tìm đến nhau nếu có điểm chung. Mấu chốt ở đây là vay trôi nổi trên thị trường, không có cơ quan giám sát, quản lý, người vay không có tài sản bảo lãnh, chủ yếu là tín chấp, khi xảy ra sự cố thì người cho vay lãnh trọn thiệt hại, khả năng đòi được một phần tiền đã cho vay là rất thấp. Luật chơi đã rõ, mà vẫn có nhiều người chơi thì không Nhà nước hay chính sách nào giúp được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.