Quy định chi tiết kích thước cho phép lớn nhất
Theo đó, dự thảo quy định khi kết nối với xe kéo, chiều dài xe ô tô rơ-moóc (xe ô tô kéo rơ-moóc), xe ô tô sơ-mi rơ-moóc (xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc) không lớn hơn 20m; chiều rộng không lớn hơn 2,5m; chiều cao không lớn hơn 4,0m.
Trong khi đó, khoảng sáng gầm xe không nhỏ hơn 120mm (trừ các loại xe chuyên dùng).
Về quy định khoang chở hàng, dự thảo yêu cầu phải có kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho hàng hóa được chuyên chở, không được có các kết cấu để lắp được các chi tiết, cụm chi tiết dẫn tới việc làm tăng thể tích chứa hàng.
Đối với xe có các bộ phận khoá hãm thành thùng hàng cao hơn 1.950 mm so với mặt đỗ xe thì xe phải có các cơ cấu thích hợp đảm bảo mở và khoá hãm thành thùng hàng dễ dàng.
Dự thảo cũng quy định khoang chở khách, ghế khách, dây đai an toàn, khoang chở hành lý, cửa lên xuống, cửa thoát khẩn cấp, kính an toàn trên xe và các trang thiết bị khác trên xe phải thoả mãn yêu cầu như đối với ô tô thông thường khi cải tạo.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định sơ-mi rơ-moóc phải được trang bị chân chống để đỡ phần trước của xe ở trạng thái tách rời khỏi xe ô tô đầu kéo. Chân chống phải có khả năng chịu được tải trọng tác dụng lên nó khi xe đầy tải; phải có cơ cấu điều khiển dẫn động.
Ở trạng thái đầy tải, khi chân chống được nâng lên vị trí cao nhất và mặt sàn của sơ-mi rơ-moóc nằm ngang thì khoảng cách giữa điểm thấp nhất của chân chống với mặt đỗ xe không được nhỏ hơn 400 mm. Trong trường hợp khối lượng toàn bộ phân bố lên mỗi trục bánh xe lớn hơn 6 tấn, khoảng cách này không được nhỏ hơn 320 mm.
Cóc hãm, chốt hãm không được tự mở
Đối với quy định về thiết bị nối, kéo và cơ cấu chuyển hướng, dự thảo quy định thiết bị nối, kéo phải được lắp đặt chắc chắn và đảm bảo đủ bền khi vận hành. Cóc hãm và chốt hãm không được tự mở.
Ngoài ra, rơ-moóc có hai trục trở lên phải có cơ cấu giữ vòng càng kéo để dễ dàng lắp và tháo rơ-moóc với xe kéo. Đầu vòng càng kéo không được tiếp xúc với mặt đường khi rơ-moóc được tháo rời khỏi xe kéo.
Đồng thời, phải có cơ cấu chuyển hướng. Đối với cơ cấu chuyển hướng kiểu mâm xoay, cụm mâm xoay và giá chuyển hướng phải quay được cả về hai phía với góc không nhỏ hơn 600.
Chốt kéo của sơ-mi rơ-moóc phải có kích thước và dung sai lắp ghép phù hợp quy định hiện hành.
Theo các chuyên gia, việc quy định chi tiết, rõ ràng yêu cầu an toàn kỹ thuật rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc cải tạo là cơ sở để các đơn vị thiết kế, cải tạo xe ô tô thuận lợi triển khai áp dụng trong quá trình thi công cải tạo, giúp nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, trục xe phải có kết cấu chắc chắn và được thiết kế đảm bảo đủ bền trong điều kiện hoạt động bình thường.
Đối với quy định về bánh xe, yêu cầu phải có kết cấu chắc chắn, lắp đặt đúng quy cách. Lốp trên cùng một trục của xe sử dụng trong điều kiện hoạt động bình thường phải cùng kiểu loại. Lốp phải đủ số lượng, đủ áp suất, thông số kỹ thuật của lốp (cỡ lốp, cấp tốc độ hoặc vận tốc, chỉ số về tải trọng hoặc khả năng chịu tải trọng của lốp) phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật, thiết kế của xe.
Lốp sử dụng cho từng loại xe phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong QCVN 34:2011/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô".
Cùng đó, xe phải có bộ phận che chắn bánh xe nếu các bộ phận của xe không đảm bảo chức năng này (trừ các loại rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc tải chuyên dùng).
Bộ phận che chắn phải bảo đảm đất, đá và các vật khác dưới mặt đường không văng trực tiếp lên thùng xe trong quá trình hoạt động;
Đối với các xe có bánh xe dự phòng thì cơ cấu nâng hạ không được bố trí ở bên trái theo chiều tiến của xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận