Ông Nguyễn Văn Huyện kiểm tra hiện trường thí điểm áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ trên tỉnh lộ 242 |
Hôm nay (19/1), Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện trực tiếp kiểm tra hiện trường đánh giá chất lượng áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ đối với kết cấu đá dăm láng nhựa trong bảo trì đường bộ tại Lạng Sơn.
Đánh giá về kết quả sau hơn 1 năm thí điểm áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ trong sửa chữa đường bộ, ông Trịnh Tuấn Đông, Phó giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết: “Sở GTVT Lạng Sơn tổ chức thi công thí điểm sửa chữa trên đoạn tuyến 2km đường Tỉnh 242, huyện Hữu Lũng. Kết quả cho thấy, mặt đường bằng phẳng, chất lượng khai thác tốt. Cường độ mặt đường cao hơn yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu trong điều kiện tuyến đường có nhiều xe vận chuyển vật liệu từ các mỏ đá.
Theo GS, TS Dương Học Hải, công nghệ này không phải dùng vật liệu mới mà tái sử dụng vật liệu cũ, tránh tình trạng phải khai thác đá ảnh hưởng đến môi trường. “Việc ứng dụng công nghệ này với hệ thống máy móc hiện đại trong công tác bảo trì còn góp phần giảm chi phí và tăng cường tuổi thọ cho các tuyến đường” GS, TS Dương Học Hải nói.
Công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ được đánh giá có nhiều ưu điểm trong bảo trì đường bộ |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Minh Quang cho biết, sau hơn 1 năm áp dụng công nghệ mới, chứng minh được ưu điểm vượt trội, mở ra hướng mới cho công tác bảo trì đường bộ, nhất là với tỉnh miền núi như Lạng Sơn. “Năm 2018 tỉnh sẽ lựa chọn thêm nhiều tuyến đường để nhân rộng, nhất là trong việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, đường huyện, đường tỉnh”, ông Quang nói.
Đánh giá cao việc áp dụng công nghệ cào bóc gia cố và tái sinh nguội tại chỗ, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, công nghệ này đáp ứng được yêu cầu “vừa tốt, vừa rẻ”. Việc áp dụng thử nghiệm công nghệ mới không ảnh hưởng đến các công trình thoát nước, do độ cao mặt đường không nâng cao quá 5cm. Cùng đó, thời gian thi công ngắn, giảm thiểu chất thải, tận dụng 100% vật liệu cũ nên chi phí giảm.
"Hết năm 2018, tất cả các đơn vị phải áp dụng công nghệ mới trong công tác bảo trì đường bộ. Nếu Sở GTVT nào không áp dụng sẽ bị cắt vốn, nhà thầu bảo trì sẽ không được tham gia đấu thầu”, ông Huyện khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận