Chuyện dọc đường

Cầm lái là cầm tính mạng người khác trong tay

03/05/2019, 19:13

Chưa nhận thức được điều này, sẽ còn nhiều nạn nhân tai nạn giao thông phải ra đi oan uổng để lại những nỗi đau không thể nguôi ngoai...

img
Thi lấy bằng lái ở Lausanne nói riêng và Thụy Sỹ nói chung cực khó và vô cùng đắt đỏ

Tại sao thi lấy bằng lái xe ô tô ở Thụy Sỹ lại khó và đắt đỏ nhất thế giới?

Nơi tôi sống - Lausanne, thủ phủ bang Vaud của Thụy Sỹ được bao bọc bởi hồ Leman và những đồi nho, là một thành phố hào phóng, quanh năm ấm áp nhưng lại vô cùng “keo kiệt” trong việc cấp bằng lái xe hơi.

Chính quyền không ngại thừa nhận rằng mục đích của họ chính là hạn chế tối đa việc cấp bằng mới, nhằm giới hạn lượng xe lưu thông trên đường, giảm tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng.

Vì thế, thi lấy bằng lái ở Lausanne nói riêng và Thụy Sỹ nói chung không những khó lại vô cùng đắt đỏ, vào loại hàng đầu thế giới với chi phí tối thiểu khoảng 4000 CHF, tương đương 100 triệu đồng tiền Việt.

Ngoài việc thi lý thuyết và thực hành, học viên cần phải trải qua một khóa học sơ cứu và một khóa học về giáo dục ý thức giao thông dành cho người điều khiển phương tiện như sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường hay xử trí thế nào trong những tình huống nguy hiểm, thời tiết xấu cũng như những hậu quả khôn lường của việc lái xe dưới ảnh hưởng của bia rượu, chất kích thích…

Tôi vẫn nhớ mãi câu đầu tiên thầy hướng dẫn nói với chúng tôi trong lớp học thi lấy bằng lái xe ô tô ở Thụy Sỹ: “Điều đầu tiên tôi muốn nhắc nhở các bạn, đó chính là ý thức trách nhiệm của người cầm lái đối với những người đang tham gia giao thông trên đường. Lái xe ô tô không giống như khi đi xe đạp hay xe máy, vì khi xảy ra tai nạn, chúng ta không chỉ gây tổn hại cho bản thân mà còn có thể lấy đi tính mạng của những người khác.”

Cầm lái chính là cầm tính mạng người khác trong tay

Do đó việc tập lái xe trước hết phải bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với môi trường xung quanh.

Lausanne, cũng như nhiều thành phố khác ở Thụy Sỹ, có rất nhiều các trang trại trồng nho làm rượu vang, nhưng khẩu hiệu khi lái xe thì không uống rượu, khi uống rượu thì đừng lái xe đã trở thành một thứ tiềm thức ăn sâu vào trong nếp sống.

Nhưng ở Việt Nam, kêu gọi không sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe có lẽ vẫn chưa đủ, mà cần phải giảm hẳn mức độ tiêu thụ bia rượu nói chung cũng như thói quen nhậu nhẹt vô độ.

Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp hôm thứ hai cũng vừa ra một thông cáo cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ các đồ uống có cồn đối với sức khỏe toàn dân.

Thông cáo kêu gọi chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm giảm việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở Pháp như thắt chặt quản lý đối với những cơ quan vận động hành lang cho việc sản xuất và tiêu thụ bia rượu.

Còn chúng ta, khi nào mới biết xấu hổ vì nhậu giỏi? Khi nào bia rượu mới thôi được bày bán khắp nơi bất kể giờ giấc, đối tượng...

Khi nào phụ nữ Việt Nam mới hết là nạn nhân của những con sâu rượu?

Chỉ trong mấy ngày lễ vừa qua, đã có ba người mẹ, trong đó có hai người bạn đồng niên của tôi đã bị những kẻ say rượu ngồi sau tay lái cướp đi tính mạng, vĩnh viễn không được chứng kiến con của mình lớn lên.

Và rồi những nạn nhân kế tiếp chính là mẹ, là vợ, là con của những người đàn ông gây ra tai nạn ấy.

Khi nào những người đàn ông mới biết xấu hổ vì đã không bảo vệ được những người phụ nữ của mình?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.