TS. Trần Hòa Bình đề xuất nên cấm xe ô tô cá nhân loại đăng ký từ 7 chỗ trở xuốngtrong khung giờ cao điểm vào nội đô - Ảnh: Tạ Tôn |
Ngày 17/4, Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị của Báo Giao thông đăng bài viết của TS. Trần Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Đào tạo cán bộ tỉnh Quảng Ninh về việc cấm ô tô cá nhân biển trắng giờ cao điểm. Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự quan tâm và tranh luận của dư luận và bạn đọc. Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng không ít người phản đối.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn. |
Trên diễn đàn otofun.net, facebooker Khúc Hữu Thanh Hải chia sẻ: “Giải pháp này hơi khùng một tý nhưng rất sáng tạo, sẽ giảm được ùn tắc giao thông”. Bạn Giang Tong cho rằng: “Cấm cũng được nhưng phải công bằng”. Bạn Tinh Do dung hòa hơn đề xuất: “Nói chung cấm vậy cũng được, còn nếu ai có ô tô không đồng tình cứ để 1 tuần cấm ô tô và một tuần cấm xe máy, tuần nào tắc nhiều thì sau cấm hẳn cái đó”.
Ngược lại, cũng không ít ý kiến phản đối việc này. Facebooker Hòa Phạm cho rằng: “Ở nước ngoài cấm xe máy, ủng hộ ô tô. Còn Việt Nam lại ngược đời đề xuất cấm ô tô, không cấm xe máy”. Bạn Nghia Do Phan lại đề xuất: “Đừng cấm thế mà cấm... bán ô tô tại Việt Nam là xong”. Trong khi đó, bạn Dương Mạnh Hùng cho rằng: “Dù tôi không có ô tô nhưng đây không phải đề xuất hay. Bạn nên nhớ rằng, con đường không làm nên ùn tắc mà là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông không tuân theo luật, mạnh ai người ý đi”.
Sau khi đọc đề xuất cấm xe ô tô biển trắng giờ cao điểm của TS. Bình, một độc giả tên Lê Thành Vũ ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định gọi điện cho người phụ trách Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị của Báo Giao thông, đã đặt vấn đề ngược lại, tại sao không cấm xe máy giờ cao điểm mà lại cấm ô tô? Theo bạn Vũ, xe máy nhiều hơn ô tô gấp nhiều lần trên đường, xe máy cũng dễ luồn lách hơn, gây mất ATGT hơn, nguy cơ ùn tắc giao thông lớn hơn ô tô nhiều.
“Khi cấm xe máy, cho phép ô tô cá nhân lưu thông, tự khắc người dân sẽ sắp xếp để cả nhà cùng đi trên một xe ô tô chở nhau đi học và đi làm. Có thể đi sớm một chút. Dù sao ô tô cũng đi có hàng có lối hơn xe máy. Hơn nữa khi vỉa hè đã thông thoáng, người đi bộ có lối đi riêng nên sẵn sàng đi bộ từ nhà đến cơ quan, học sinh đi bộ đi học trong khoảng cách vài cây số”, bạn Vũ đề xuất.
Cần đánh giá và nghiên cứu toàn diện
Liên quan đến đề xuất này, theo PGS. TS. Từ Sỹ Sùa, việc chỉ ra mỗi lệnh cấm thì rất dễ, tất cả các mệnh lệnh hành chính đều không tốt và không cần phải bàn nữa. Hậu quả của lệnh cấm là cái được rất ít mà mất là chủ yếu. “Ở nước ngoài họ hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm bằng cách thu phí vào nội đô để giảm ùn tắc. Việt Nam cũng nên áp dụng giải pháp này thì hợp lý hơn”, TS. Sùa đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Chu Công Minh cho rằng, việc cấm xe sẽ rất phức tạp, nếu cấm xe dưới 7 chỗ, người dân sẽ chuyển sang đi xe gắn máy hay đi xe trên 7 chỗ trở lên mà chỉ có 1 - 2 người trên xe thì càng thêm ùn tắc.
TS. Minh khẳng định, cần phải có giải pháp xem xét, đánh giá tổng thể cho từng khu vực, xe máy chiếm bao nhiêu, ô tô chiếm bao nhiêu phần trăm, trong đó có xe dưới 7 chỗ chiếm bao nhiêu trong dòng phương tiện và diện tích chiếm dụng mặt đường của từng loại xe là bao nhiêu; loại xe này có phải là nguyên nhân gây tắc đường và tỷ lệ chiếm diện tích mặt đường là bao nhiêu hay chưa. Khi cấm loại xe này, phương thức vận chuyển thay thế sẽ như thế nào, người dân sẽ đi bằng phương tiện gì.
“Cần có sự khảo sát đánh giá toàn diện mới có cơ sở lý luận, nếu chỉ nói cấm thì đơn giản quá. Về khía cạnh pháp lý, sẽ không có quyền cấm người dân lưu thông. Trên thế giới không có nước nào cấm xe. Để giảm phương tiện cá nhân, họ sẽ hạn chế đi lại của người dân bằng cách tăng thuế xe ô tô hay tăng mức độ khó khăn khi lưu thông bằng việc không làm quá nhiều bãi đậu xe giá rẻ hay miễn phí tại khu vực trung tâm. Họ có thể cung cấp chỗ đậu xe nhưng người đi xe muốn có chỗ đỗ sẽ phải trả phí rất đắt”, ông Minh nói.
Trong bài viết của mình, TS. Trần Hòa Bình đề xuất nên cấm xe ô tô cá nhân loại đăng ký từ 7 chỗ trở xuống trong khung giờ cao điểm vào nội đô. Cụ thể, chỉ cần cấm ô tô cá nhân lưu thông trong 2,5 giờ cao điểm (sáng từ 6h - 8h30 và chiều từ 16h30 - 19h), không cấm vào thứ bảy và chủ nhật, sẽ giải quyết được nạn ùn tắc. TS. Bình cho rằng, diện tích chiếm lòng đường của ô tô và xe máy hiện nay khá tương đương (có thời điểm ô tô chiếm diện tích nhiều hơn, có thời điểm xe máy chiếm diện tích nhiều hơn). Một xe ô tô con chiếm lòng đường gấp khoảng 4 lần một xe máy, vì ô tô con thường dài trên 4m, rộng gần 2m, còn xe máy khoảng cách giữa 2 ghi đông là 0,6m và dài dưới 2m. Vào giờ đi làm, chủ yếu chỉ có một người lái xe ngồi trên xe ô tô. Số xe ô tô chở 2-3 người trở lên rất ít. Còn xe máy chủ yếu một người, cũng ít xe lai nhau. Từ đó cho thấy, một ô tô chiếm lòng đường gấp 4 lần một xe máy, nhưng năng lực vận chuyển chỉ bằng một xe máy. |
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận