Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (tháng 10/2017) - Ảnh: Trần Hải |
Hôm nay (7/5), Hội nghị BCH T.Ư 7 khóa XII chính thức khai mạc.
Hội nghị sẽ cho ý kiến, thảo luận về “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức T.Ư (theo dõi các cơ quan T.Ư) về những điểm nổi bật của đề án.
Thưa ông, vì sao Ban chấp hành T.Ư Đảng lại quyết định phải ban hành nghị quyết mới về công tác cán bộ trong thời điểm này?
Qua tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu trong công tác cán bộ, nhưng vẫn còn những bất cập như đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng chưa mạnh. Đặc biệt, có một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, còn quan liêu, xa dân, tham nhũng, lợi ích nhóm... dẫn đến việc bị kỷ luật Đảng và xử lý theo pháp luật.
Bên cạnh đó, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp... chậm được ngăn chặn, đẩy lùi...
Trong khi đó, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn. Thời gian tới là giai đoạn chuyển giao thế hệ giữa lớp cán bộ được rèn luyện, trưởng thành, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước khác nhau, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ông có thể khái quát những nội dung mới, quan trọng nhất trong Đề án trình Hội nghị T.Ư 7 lần này?
Để chuẩn bị Đề án trình Hội nghị T.Ư 7 lần này, ngay từ tháng 5/2016, Ban chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng Đề án đã được thành lập.
Đề án lần này đề xuất các quan điểm mới, đồng bộ, toàn diện hơn nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung xuyên suốt, bao trùm của đề án là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan.
Cùng với đó là chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đề án lần này cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát quyền lực, chặn đứng được tiêu cực, triệt để chống chạy chức, chạy quyền và đẩy lùi tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên.
Đề án nhấn mạnh đến việc triệt để chống chạy chức, vậy chúng ta sẽ thực hiện việc này bằng cách nào?
Làm được việc này trước hết phải chuẩn hoá quy trình, quy định về công tác cán bộ, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh. Nếu các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm thì thu hồi các quyết định sai trái đó và xử lý nghiêm.
Ban Tổ chức T.Ư cũng có những quy định chặt chẽ về kiểm soát quyền lực, các cơ chế để ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, đề cao giám sát của Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội và người dân.
Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức T.Ư (theo dõi các cơ quan T.Ư) |
Bố trí Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương
Để thực hiện nhiều nội dung xuyên suốt ấy, Đề án đưa ra những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Đề án lần này đề xuất hàng loạt giải pháp đồng bộ, hiệu quả như đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và có sự so sánh; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan đơn vị.
Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 7 khóa XII dự kiến diễn ra từ ngày 7- 12/5. Tại Hội nghị, T.Ư sẽ bàn, cho ý kiến về các đề án, báo cáo: Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách BHXH; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị T.Ư 6 đến Hội nghị T.Ư 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật trong Đảng; Báo cáo về công tác cán bộ. |
Bên cạnh đó, thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, sát hạch, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ của mình. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ.
Đặc biệt, lần này chúng ta thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND.
Một điểm mới đáng lưu ý nữa là lần này xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam hay người nước ngoài. Đề án lần này cũng đưa ra cơ chế phát hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.
Hay như giải pháp xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. Hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” là việc bình thường trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tình trạng chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ ràng, đấu tranh quyết liệt…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình và Tây Hồ ngày 12/10/2017 - Ảnh: Anh Khoa |
Vẫn có trường hợp đặc biệt
Sức khoẻ cũng là một trong những tiêu chí để xem xét lựa chọn cán bộ. Nhưng vừa qua một số lãnh đạo cấp cao có vấn đề về sức khỏe. Vậy trong công tác chuẩn bị cán bộ sắp tới sẽ làm thế nào để đảm bảo đội ngũ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao được ổn định xuyên suốt cả nhiệm kỳ?
Khi chúng ta lựa chọn vị trí lãnh đạo đều coi trọng cả về phẩm chất, năng lực, sức khoẻ, uy tín... Tất cả những người được giới thiệu tham gia T.Ư, được Ban chấp hành T.Ư tiến hành các quy trình thẩm định, giới thiệu ứng cử vào T.Ư đều được kiểm tra sức khoẻ và thẩm định hồ sơ lí lịch chính trị.
Theo đó, giao hội đồng y khoa thông qua Ban bảo vệ kiểm tra sức khoẻ T.Ư, làm rất chặt chẽ. Ngoài hồ sơ lí lịch, kê khai tài sản, văn bằng thì hồ sơ còn có phiếu khám sức khoẻ của cấp có thẩm quyền. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ được bổ nhiệm, bầu cử vào các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, mỗi người do cơ địa, sức khoẻ riêng không thể nói trước được.
Về độ tuổi, có ý kiến cho rằng việc giới hạn tuổi để vào T.Ư làm một số người có năng lực, trình độ bị loại một cách đáng tiếc. Vậy đề án lần này có tính đến vấn đề này không, thưa ông?
Trong các quy định, ngoài việc đánh giá các tiêu chuẩn còn phải đảm bảo yêu cầu về độ tuổi. Xây dựng quy định về độ tuổi cũng là để đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vì độ tuổi cao mà giữ mãi thì không mở đường cho giới trẻ.
Chúng ta cũng có những trường hợp đặc biệt, như Tổng Bí thư - một con người có uy tín, có năng lực, được Ban chấp hành T.Ư suy tôn và được giới thiệu tái cử đặc biệt. Một số đồng chí T.Ư cũng sinh năm 1955 vẫn được giới thiệu. Rồi một số người lần đầu tham gia T.Ư cũng trong trường hợp như vậy. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có cán bộ trẻ sinh năm 1970 được bầu vào Bộ Chính trị, nhiều người mới 45 tuổi cũng được tham gia T.Ư lần đầu. Như vậy chúng ta mới tạo được dòng chảy cán bộ liên tục.
Chúng ta không đặt ra khung tuổi cứng nhưng phải có độ tuổi trong cơ cấu để đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục vững vàng giữa các thế hệ. Những con người đặc biệt thì vẫn luôn được Đảng coi trọng để giới thiệu, khi được Ban chấp hành T.Ư suy tôn và Đại hội tín nhiệm bầu thì vẫn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo. Lần này quan điểm của Đảng là phải có quy tắc chung, đồng thời cũng vẫn có đặc thù trong việc xem xét bố trí cán bộ.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận