Tính tới thời điểm hiện tại, nhà ở xã hội mới chỉ đạt 28% mục tiêu đặt ra - Ảnh: Lã Anh |
Nếu nhìn nhận lại, chính sách hỗ trợ nhà ở vẫn còn bị rào cản thủ tục hành chính nên dễ bị lợi dụng để xin-cho, thông qua chủ đầu tư dự án, còn câu chuyện hiệu quả có đến được người tiêu dùng thuộc diện thu nhập thấp hay không thì lại được xếp đằng sau. Với cơ chế này, chính sách hỗ trợ dễ bị lợi dụng trì trệ, có thể đến, có thể chỉ đến một phần, thậm chí là không đến được đối tượng thực sự cần.
Mặt khác, những giải pháp cũng chưa đúng và trúng. Chính sách phát triển nhà ở xã hội chỉ nên được coi như một cú hích vào thị trường để từ đó kích phân khúc nhà ở xã hội lên. Còn nếu chỉ loay hoay với việc hỗ trợ nhà ở xã hội theo kiểu bao cấp thì mãi vẫn ở trong mớ lùng nhùng mà thôi!
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, vấn đề bức xúc nhất của công nhân hiện nay là nhà ở. Hiện có 2,8 triệu công nhân đang làm việc thì 1,7 triệu là công nhân lao động di cư có nhu cầu nhà ở nhưng thực tế chỉ giải quyết được 10%, còn 1,5 triệu người nữa phải thuê nhà của người dân để ở. Xét về mặt tổng thể, nhà ở từ dự án chỉ chiếm 5% cung ra thị trường còn 95% nguồn cung vẫn từ dân. Vậy thử hỏi dự án nhà ở xã hội đã giải quyết được bao nhiêu chỗ ở cho công nhân tại KCN, cho sinh viên tại các trường ĐH? Còn người dân địa phương đã cung cấp bao nhiêu nhà ở, nhà cho thuê? Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 có sửa đổi thành chính sách phát triển nhà ở xã hội chứ không còn dự án nhà ở xã hội nữa, tuy nhiên thử hỏi chính sách hỗ trợ cho người dân địa phương để cung nhà ở xã hội đã có hay chưa? Chắc chắn là chưa! Thực tế các dự án nhà ở xã hội vẫn chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư, hay nói cách khác đây là mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với chủ đầu tư dự án. Đằng sau cách thức mối quan hệ này lấp ló rất nhiều nguy cơ tiêu cực.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, họ đều có những chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên cơ sở thị trường. Theo đó, vấn đề đồng vốn tín dụng ưu đãi cũng không được coi trọng bằng cơ chế khuyến khích đảm bảo lợi ích cho các bên. Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng... cho tất cả nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường, bất kể đó là người dân hay nhà đầu tư lớn. Thậm chí ngay cả đối với những vị trí đất đai chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng nếu làm nhà ở xã hội thì lại được luật pháp xem xét và cho phép.
Trước bối cảnh trên, tại Hội nghị nhà ở xã hội ngày 7/12, người đứng đầu Chính phủ cũng đã quán triệt chỉ đạo: Nhà nước không bao cấp cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Rõ ràng tư duy quản lý đã được thay đổi, điều quan trọng cần biến tư duy đó thành chính sách, cụ thể hóa bằng những văn bản thực thi.
GS, TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận