Với những người trong bộ máy, sự quan tâm còn cao hơn nữa. Sau sắp xếp, sẽ có một bộ phận lớn lao động dôi dư. Giải quyết như thế nào với lượng lao động này là bài toán đang được đặt ra.
Theo kế hoạch, Nghị định quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ được xây dựng, hoàn thành trước ngày 20/12/2024.
Chắc chắn, sẽ có những chính sách vượt trội, đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, đại diện Bộ Nội vụ cũng khẳng định, chính sách này sẽ đảm bảo giải quyết phù hợp cho cán bộ, công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang các khu vực khác, không làm trong cơ quan Nhà nước nữa.
Mục tiêu là có cơ chế để giữ chân người tài, đảm bảo nguyên tắc xây dựng nền công vụ theo hướng thực tài, thu hút người có tài năng trong và ngoài nước.
Hiện chưa thống kê được số lượng cán bộ, công chức, viên chức có thể bị tác động bởi việc sắp xếp, bởi các cơ quan đang xây dựng khung về bộ máy, sau đó mới có phương án, tính toán điều chuyển, sắp xếp công việc cho từng bộ máy theo nguyên tắc là con người gắn với công việc.
Với yêu cầu giảm 15-20% bộ máy bên trong, từ việc xây dựng bộ máy sẽ tính toán cần bao nhiêu con người để vận hành. Trường hợp gộp các đơn vị, cục, vụ chức năng, nếu số lượng dôi dư sẽ tính toán giữ lại những người còn trong độ tuổi, có năng lực, phẩm chất, chiều hướng phát triển và có cơ chế để cho nghỉ việc, như với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu...
Như vậy, có thể thấy, dù chưa thể thống kê cụ thể, chắc chắn sẽ có số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ phải rời khỏi bộ máy Nhà nước. Vậy họ sẽ làm gì sau khi sắp xếp lại?
Thứ nhất, với những người có năng lực, trình độ, chắc hẳn việc tìm một công việc mới không phải quá khó. Hay với những người năng động, có điều kiện, việc chuyển sang kinh doanh hay công việc nào đó cũng không phải vấn đề lớn.
Còn với những người thực sự "sáng cắp ô đi, tối cắp về", có lẽ tìm công việc mới không đơn giản. Điều đó có thể bất lợi với họ, song lại có lợi cho hoạt động của bộ máy.
Dù thế nào đi nữa, người được nghỉ theo chế độ phải chủ động có kế hoạch cho bản thân mình, nhất là với những người còn khả năng lao động lâu dài. Như vậy vừa không lãng phí nguồn lực, vừa không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Sẽ có những người mấp mé tuổi hưu cũng về đợt này. Với chất lượng cuộc sống hiện nay, 60 - 65 tuổi chưa phải là già, vẫn minh mẫn và sáng suốt. Những người này nếu có cơ hội có thể làm chuyên gia, tư vấn, tự kinh doanh hoặc hoàn toàn có thể có kế hoạch nghỉ ngơi sau nhiều năm miệt mài làm việc.
Sắp xếp, tinh giản bộ máy là cuộc cách mạng lớn của đất nước. Chắc chắn sau sắp xếp, bộ máy sẽ làm việc hiệu quả, chi tiêu hiệu quả. Điều đó sẽ giúp cho đất nước tăng tốc nhanh hơn, lợi tức tạo ra tốt hơn và mỗi công dân đều được thụ hưởng thành quả đó, kể cả những người được chọn tinh giản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận