Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)trong vòng tay người thân |
Ngày 5/6 tới, trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo của Ủy ban TVQH về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo Nghị quyết 388 của Ủy ban TVQH, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có nghĩa vụ hoàn trả kinh phí bồi thường đã ứng từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định khoản tiền phải hoàn trả lại cho ngân sách vẫn còn rất mập mờ.
Cố ý làm sai, phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc lấy tiền ngân sách Nhà nước để bồi thường cho nạn nhân bị oan do những người tham gia quá trình tố tụng gây ra là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, người gây ra oan sai là các chức danh tư pháp, là cán bộ, công chức Nhà nước, họ thi hành nhiệm vụ Nhà nước giao và để xảy ra oan sai. Họ thay mặt Nhà nước, đại diện cho pháp luật nên trước hết phải lấy ngân sách Nhà nước bồi thường cho người bị oan sai, còn nghĩa vụ bồi hoàn đối với những cán bộ trực tiếp gây ra oan sai đó lại phải tính sau. Nếu anh cố ý, anh làm sai thì anh phải có trách nhiệm bồi hoàn, còn nguyên tắc bồi hoàn như thế nào thì luật đã quy định rồi.
Theo Nghị quyết 388 của Quốc hội, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có nghĩa vụ hoàn trả kinh phí bồi thường đã được lấy từ ngân sách. Thủ trưởng cơ quan đã thực hiện việc bồi thường thiệt hại có trách nhiệm quyết định mức hoàn trả, phương thức hoàn trả mà người có nghĩa vụ hoàn trả phải thực hiện. Việc xác định mức hoàn trả và phương thức hoàn trả được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm vật chất của cán bộ, công chức. |
“Nhiều người đang hiểu lầm về việc các cá nhân trong quá trình tố tụng gây ra oan sai thì được phép “tạm ứng” tiền từ ngân sách Nhà nước, điều này không đúng, vì rõ ràng là phải lấy từ ngân sách Nhà nước. Đối với nghĩa vụ bồi hoàn, không có nghĩa là ngân sách bồi thường cho người ta bao nhiêu thì sau này cán bộ làm sai phải trả lại bấy nhiêu vì điều đó cũng không khả thi và không thực tế. Thử tính xem lương cơ bản của một cán bộ điều tra, cán bộ kiểm sát hay bất cứ cán bộ trong cơ quan Nhà nước bây giờ được bao nhiêu, giờ nếu như họ gây ra oan sai, giống như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đòi bồi thường 10 tỷ, hay vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) đòi hơn 20 tỷ thì người cán bộ đó lấy đâu ra tiền cho đủ để bồi thường?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn chứng và cho biết thêm, bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi hoàn, người tham gia quá trình tố tụng mà gây ra oan sai còn phải chịu trách nhiệm pháp lý, khi cố ý làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc phải chịu các hình thức khác như có thể bị kỷ luật, thôi việc, cách chức…
Trong khi đó, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, Luật Bồi thường Nhà nước quy định cơ quan nào ra phá n quyết cuối cùng mà xảy ra oan sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn trách nhiệm về chính trị, về nghề nghiệp không đơn thuần chỉ có cơ quan cuối cùng mà phải tất cả những người tham gia quá trình tố tụng.
Người gây oan sai không có tiền, hoàn trả thế nào?
Theo Đại tá Phạm Trường Dân, PGĐ Công an tỉnh Quảng Nam, khi xảy ra oan sai thì có thể “tạm ứng” từ ngân sách Nhà nước để bồi thường cho người bị oan sai. Nhưng vấn đề đặt ra là vì một lý do nào đó mà cá nhân có trách nhiệm bồi thường không có khả năng hoàn trả thì sẽ giải quyết thế nào? Đó cũng là một bất cập chưa được giải quyết.
Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng đặt câu hỏi: “Với những người gây ra oan sai, không phải anh lấy tiền Nhà nước ra để đền bù mà phải có chế tài xử phạt như thế nào đó chứ? Tại sao anh ăn lương Nhà nước, anh làm sai, sau đó lại lấy ngân sách Nhà nước đền bù?”.
Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, Nghị quyết 388 của Quốc hội quy định nguyên tắc “ai làm nấy chịu”. Tuy nhiên, việc hoàn trả lại phải tùy thuộc vào khả năng, đối với nhiều cán bộ công chức thì họ không có tài sản gì để hoàn trả, đặc biệt nếu họ lại tù tội nữa thì càng không có khả năng trả. “Rõ ràng trong những trường hợp này thì ngân sách Nhà nước bị thiệt hại, suy ra thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân”, ông Nghĩa nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận