Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phải khẳng định nếu huy động được các nguồn lực xã hội thì quá tốt. |
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) lần này có bước tiến rất tốt so với luật hiện hành, đó là Chính phủ đã thực hiện được quan điểm của T.Ư, của Quốc hội - không dùng ngân sách để cơ cấu lại nợ công, để trả cho khoản vay do Chính phủ bảo lãnh, và không thể để người ta cho rằng ngân sách là miếng bánh ngon để “cấu xé”.
Đây là điểm mới rất đáng ghi nhận vì trước đây, luật cũ không đề cập đến vấn đề này nên có thực tế nhiều dự án, nhiều khoản Chính phủ bảo lãnh nhưng không trả được, lại phải lấy từ ngân sách ra lo. Luật Quản lý nợ công sửa đổi lần này cũng đã đảm bảo được quỹ tích luỹ trả nợ minh bạch, nguồn nào trả nguồn ấy, không có chuyện lấy nguồn này trả nguồn kia.
Một vấn đề khác đã được rất nhiều ý kiến đề cập, đó là hiện nay chúng ta có 3 đầu mối cùng quản lý nợ công, gồm Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước. Theo quan điểm của Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định như hiện hành tại Luật Quản lý nợ công 2009 nhằm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của ba cơ quan. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng nên quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay...
Nhưng đừng hiểu lầm một đầu mối tức là chỉ giao cho một Bộ “ôm” hết, còn các Bộ, ngành khác không làm gì. Ở đây, Chính phủ vẫn có thể phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, nhưng mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan, còn đầu mối cũng chỉ tập trung vào một cơ quan, ví dụ có thể là Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối giúp Chính phủ tham mưu trong việc quản lý nhà nước về nợ công.
Lần sửa đổi này, Luật Quản lý nợ công cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, có quy định riêng về việc nói rõ chế độ trách nhiệm cá nhân của người ký đi vay và trách nhiệm cá nhân của người đi vay.
Với những chỉ đạo quyết liệt của T.Ư, của Quốc hội, Chính phủ, chắc chắn tình trạng nợ công sẽ không còn đáng lo ngại. Vì thực chất hiện nay, chúng ta đang giải quyết những cái cũ, còn cái mới ta đã quản lý rất chặt rồi. Thực tế nhiều người đang lo ngại về bài toán chúng ta đang tiến tới sát trần nợ công, trong khi ngân sách khó khăn, nguồn chi cho đầu tư phát triển lại quá lớn, nếu tiếp tục đi vay để đầu tư thì nợ công sẽ đáng báo động. Vậy chúng ta phải làm gì? Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới bắt buộc phải huy động nguồn lực tổng thể chứ không thể trông chờ vào ngân sách được, đó là chủ trương đã được đặt ra rồi.
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phải khẳng định nếu huy động được các nguồn lực xã hội thì quá tốt. Điển hình như hiện nay nhiều người “chê” các dự án BOT, nhưng tôi cho rằng ai phê bình BOT là không đúng, vì bản chất của nó là rất tốt và ưu việt, thế giới đã có từ rất lâu. Nhưng vấn đề là chủ trương đúng, còn thực hiện thì còn một số khiếm khuyết. Vì thế, cái tốt ta phải khuyến khích, cái khiếm khuyết thì cần sửa chữa, điều chỉnh, chứ không thể đánh đồng. Nếu không có huy động vốn xã hội, không có BOT hay BT thì làm sao có những công trình góp phần tạo sự phát triển cho đất nước như hiện nay.
Trần Quang Chiểu
Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận