Trang trại của Công ty CP Desmac, nhiều khu vực chưa trồng nấm nhưng đã được phép đấu nối để... bán điện
Những trang trại trá hình
Tại xã Cát Hiệp (Phù Cát, Bình Định) nhiều dự án điện mặt trời áp mái trang trại trồng nấm, dược liệu rầm rộ triển khai thời gian vừa qua.
Về thôn Hòa Đại (Cát Hiệp), dễ dàng nhận thấy trên mái lán dự án trồng nấm rơm Phong Quang (Công ty CP Desmac) được phủ kín pin mặt trời.
Gần giờ trưa, sức nóng hấp thụ qua tấm pin phả hơi xuống nền đất, bê tông. Ngoài hệ thống điện mặt trời đang sản xuất, việc trồng nấm tại đây như án binh bất động, không giống một trang trại đúng nghĩa. Một số đống rơm chất vào góc, nền nhà đang đổ bê tông, không có bất kỳ giàn nấm nào.
Ngày 7/4, trong vai đơn vị đi chuyển giao kỹ thuật trồng nấm, PV dò hỏi muốn liên kết với chủ đầu tư, liền được nữ nhân viên Công ty CP Desmac giới thiệu gặp một người phụ trách tên Ch.
Trao đổi qua điện thoại, anh Ch. tỏ ý hoài nghi, dò hỏi đơn vị nào giới thiệu, vì sao biết dự án của mình.
Rồi anh Ch. cho biết, ít nhất phải hơn 1,5 tháng nữa mới đầu tư hạ tầng xong để... trồng nấm.
Tuy nhiên, tìm hiểu PV, dự án này được phía điện lực "ưu ái" nghiệm thu và cấp phép đấu nối, bán điện cho điện lực từ cuối năm 2020 vừa qua.
Khu vực của Công ty CP Desmac chưa trồng cây gì nhưng đã đấu nối để bán điện
Trao đổi với PV, ông Phương Công Cửu - Phó giám đốc Công ty CP Desmac quả quyết dự án thực hiện đúng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được cấp phép đấu nối điện và có trồng nấm hẳn hoi, thu hoạch được vài vụ.
Nhưng khi PV nói đang ghi nhận thực tế tại hiện trường và có đủ các tư liệu, hình ảnh chứng minh trang trại không có nấm trồng, ông này lại nói đang ở Hà Nội, hẹn thông tin sau.
"Việc nhân viên nói 1,5 tháng nữa mới đầu tư xong hạ tầng là nói sẽ chuyển giao công nghệ mới", ông Cửu biện bạch.
Ông Tô Hoài Tân, Chánh VP UBND xã Cát Hiệp cho biết, xã quản lý về đất đai, còn dự án do tỉnh, huyện cấp phép. Chủ đầu tư làm khoảng 3 tháng đã thấy xong và được điện lực cấp phép.
Công ty CP Desmac chỉ tập trung lắp pin làm điện áp mái, nhiều khu vực trang trại chưa được đầu tư trồng nấm.
Thống kê của UBND xã Cát Hiệp, ngoài dự án trang trại của Công ty CP Desmac, hiện có 3 dự án khác đã được điện lực cấp phép đấu nối bán điện. Tuy nhiên, theo ông Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, các dự án đảm bảo mục đích sử dụng đất nhưng hầu hết hoạt động trá hình, xã không thấy trồng cây sản xuất gì cả. Việc cấp phép trang trại thuộc thẩm quyền của huyện, nên xã chỉ kiến nghị lên trên.
Hệ thống điện mặt trời của Công ty TNHH Toàn Thiện Phát để đấu nối vào điện lưới được đầu tư hoạt động trong khi trồng nấm, dược liệu không chú trọng.
Trục lợi chính sách, thu lợi khủng
Trao đổi với phóng viên, bà Lệ - lãnh đạo Công ty Toàn Thiện Phát (xã Cát Hiệp), chủ đầu tư dự án trang trại có điện mặt trời áp mái cho hay, dự án có quy mô hoảng 7ha, để trồng nấm và cây dược liệu.
Từ cuối năm 2020 vừa qua, dự án được nghiệm thu, đấu nối điện. Tuy nhiên, dễ nhận thấy hoạt động tại đây được xem trồng nấm, đinh lăng cho “có hình thức”, đối phó.
Một bác bảo vệ cho biết, chỉ có mình trực ở công trình. Nấm không có nhiều để bán, giá chỉ vài chục ngàn. Đinh lăng mới lên được 1 gang tay. Theo bà Lệ, giá đầu tư cả trang trại và điện mặt trời lên đến gần 14 tỷ đồng, riêng phần mái, khung sắt lên đến hơn tỷ đồng. Nếu tính thu nhập từ đinh lăng, nấm chắc không đủ tiền trả nhân công huống gì thu hồi vốn. Nguồn lợi chính được xác định từ “bán điện”.
Bà Lệ cho hay, giá bán điện cho điện lực được trả hơn 1.900 đồng một chữ điện. Tính tháng 3 vừa qua được hơn 200 triệu đồng. Hy vọng sau 4-5 năm thu hồi vốn.
Cây đinh lăng của Công ty TNHH Toàn Thiện Phát còn rất nhỏ, trong khi đó việc đấu nối để bán điện đã được "cho phép" từ năm 2020
Trong khi đó, nhiều khu vực khác của công ty này chưa trồng cây gì cả
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Hùng Dũng - Trưởng phòng kinh doanh Điện lực huyện Phù Cát cho biết: Trên địa bàn huyện hiện tại có 26 khách hàng có điện mặt trời dưới dạng trang trại nông nghiệp đấu nối vào hệ thống điện áp của địa phương với tổng công suất 28.605 KWp. Năm 2020, giá mua điện là 1,940 đồng/KWh.
Về thủ tục đấu nối, ông Dũng cho biết những thủ tục hồ sơ, việc cho phép thành lập trang trại… đều được Công ty Điện lực Bình Định kiểm tra, nếu đảm bảo sẽ ra văn bản thỏa thuận đấu nối, đồng ý cho chủ đầu tư đầu tư điện áp mái. Sau đó sẽ chuyển hồ sơ về cho điện lực huyện ký hợp đồng mua điện với chủ trang trại.
Nguồn thu chính của Công ty TNHH Toàn Thiện Phát chủ yếu vào việc bán điện.
"Vừa rồi, công suất điện mặt trời từ các trang trại vào hệ thống điện lưới rất lớn, vượt dự kiến ban đầu, buộc phải tiến hành tiết giảm. Lịch tiết giảm được tiến hành theo tuần do phía điều độ của Điện lực Bình Định gửi xuống. Việc phối hợp để tiết giảm điện với các chủ đầu tư cũng khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng chia sẻ thêm: Việc thành lập trang trại do UBND huyện cấp phép. Khi trang trại nông nghiệp đủ điều kiện đầu tư hệ thống điện mặt trời thì buộc chúng tôi phải ký hợp đồng mua điện của họ. Cái chính là làm trang trại, còn điện mặt trời chỉ là phụ. Tuy nhiên thực tế, nhiều trang trại chủ yếu tập trung đầu tư điện mặt trời là chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận