Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, các sông chảy qua Nam Định như: Sông Đáy, sông Đào, sông Hồng, sông Ninh Cơ nước đều dâng cao, tràn vào một số khu dân cư, làm vỡ một số điểm đê bối, đê bao trên địa bàn.
Ghi nhận của PV tại nhiều điểm tại huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, TP Nam Định, nước lũ liên tục dâng cao, nên địa phương đã phải ban hành lệnh báo động lũ cấp 3.
Tại huyện Ý Yên, lũ thượng nguồn đổ về hạ lưu khiến hai xã Yên Khang và Yên Bằng chịu cảnh nước dâng cao nhấn chìm nhiều nhà dân, có nơi ngập gần đến tầng hai. Vùng ngoài đê phía tả sông Đáy chạy qua hai xã có khoảng 300 hộ dân đang bị cô lập, hàng chục ao cá ngập tràn. Huyện đã sơ tán toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cũng tại huyện Ý Yên, bờ bao sản xuất thôn Ninh Mật, Ngô Xá, xã Hồng Quang xảy ra tràn bờ bao khoảng 500m. UBND xã Hồng Quang đã thông báo và thực hiện di dời người dân (326 hộ với 1.450 nhân khẩu), tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao sản xuất vào trong đê đến các địa điểm là Trạm Y tế xã, Nhà văn hóa thôn Ninh Mật và nhà người thân của các hộ dân đảm bảo an toàn.
Tại huyện Trực Ninh, vào khoảng 9h sáng 12/9, mực nước trên sông Ninh Cơ thuộc địa bàn xã Phương Định dâng cao, có nguy cơ tràn qua bối, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 459 hộ dân với 1.455 nhân khẩu. Huyện Trực Ninh ban hành lệnh báo động lũ cấp 3 trên toàn tuyến đê hữu sông Hồng và đê tả, hữu sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh. Đồng thời, huy động lực lượng khẩn cấp hộ đê, sơ tán người dân khỏi vùng lũ.
Ông Phạm Trọng Duy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết, hiện Trực Ninh đã gia cố các điểm bối có nguy cơ tràn bằng bao tải cát và di chuyển 400 hộ dân với 1.200 nhân khẩu đến nơi an toàn, những hộ còn lại đều sống trong nhà kiên cố. Khoảng 1.000 người (công an, dân quân, người dân...) với hàng trăm phương tiện như xe ba bánh, xe máy để chở những bao đất, bao cát đắp, bảo vệ đê bối thôn Lộ Xuyên 2, xã Phương Định, huyện Trực Ninh.
Tại TP Nam Định, nước lũ trên sông Hồng cũng dâng cao, đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bối Hồng Long (xã Mỹ Tân, TP Nam Định) và an toàn của người dân đang sinh sống trong vùng đê bối.
Từ chiều 11/9, đoạn đê bối nằm cuối thôn Hồng Hà 1 bị vỡ một đoạn dài 2m, nước sông tràn vào khu vực ruộng vườn, dân cư, gây ngập lụt trực tiếp đến 2 thôn Hồng Hà 1 và 2; kênh máng nước thải thành phố bị sạt lở một mảng, ảnh hưởng trực tiếp đến các thôn Hồng Phong 2, Hồng Phú.
Đến 13h ngày 12/9, đê bối qua địa bàn thôn Hồng Phong 1 bị tràn, hiện tại những khu vực trên đang trong tình trạng bị ngập sâu trong nước; nhà cửa, đặc biệt là toàn bộ diện tích hoa màu của người dân bị ngập sâu trong nước, trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp tới 1796 hộ/5965 người sinh sống ngoài đê của xã Mỹ Tân.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết, chính quyền cơ sở, các lực lượng vũ trang ở địa phương đã sơ tán 573 hộ/1774 người thuộc diện di dời đến nhà người thân, trạm y tế xã, riêng các học sinh được cho ở lại tại trường học.
TP Nam Định đã huy động nhiều lực lượng tại chỗ tăng cường xuồng, cano... tiến hành sơ tán người dân, di chuyển tài sản trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, nhân dân địa phương đã đóng được trên 15.000 bao tải cát, vận chuyển, gia cố các điểm xung yếu, chống sạt lở, chống tràn và di dân vùng bối; vận chuyển nhu yếu phẩm cung cấp đến các điểm có người dân bị ảnh hưởng.
Một số hình ảnh lực lượng quân đội, công an, nhân dân địa phương ứng cứu lũ lụt tại những nơi ngập úng ở Nam Định:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận