Công trình “Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh” độc đáo này tọa lạc trên khu đất phía Nam cầu Bến Tắt trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - cách Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn chừng 700m.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 24/4, nhà bom trên của lão nông Trần Công Chức (SN 1969, thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã cơ bản hoàn thành hệ thống trụ bằng vỏ bom, mái lợp lá cọ.
“Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh” cơ bản hoàn thành phần cột, mái; các bậc cấp lên xuống đang trong quá trình hoàn thiện...
Căn nhà trên được làm theo kiểu “nhà bánh ít” - nhà rường 3 gian, gồm gian chính ở giữa và 2 gian 2 bên; phía trước pha chút hiện đại: sảnh từ gian chính nhà bom kết nối với sân bằng những bậc cấp lên xuống.
Đáng chú ý, ngoài hệ thống khung móng bằng bê tông cốt thép, tường xây bằng gạch thẻ, nền lát đá. Tất cả 18 cột của căn nhà (16 cột của 3 gian nhà, 2 cột ở sảnh) đều được làm từ vỏ của những quả bom tấn, bom tạ. Tùy theo chiều cao, mỗi cột từ 3 - 4 vỏ quả bom được hàn lại. Quả bom lớn phía dưới đặt trên móng bê tông có vòng đế sắt...
Phần mái căn “nhà bom” là hệ thống đòn tay bằng sắt kết nối với hệ thống kèo bằng sắt và các cột. Phía dưới phần mái được lợp bằng lá cọ là hệ thống rui, mèn bằng tre...
Cổng vào ngôi nhà bom này cũng rất ấn tượng với những vỏ bom có kích thước khác nhau. Phía trước và 2 bên nhà bom trồng một số cây đoác, cọ, xà cừ; một số công trình như “chiếc ô” lớn che mưa nắng cũng đang được đội ngũ nhân công lắp ráp.
Ở phía Nam cách nhà bom chừng 100m là khu vực mà theo một người ở đây giới thiệu sẽ làm chỗ đỗ xe...
Nói về "góp nhặt" vỏ bom cũng như ý tưởng làm ngôi nhà bom này, ông Trần Công Chức cho biết, ông sinh ra và lớn lên trên vùng “đất lửa” Quảng Trị, từ khi còn trẻ, ông đã bôn ba nhiều nơi, sau này ông cùng một số nông dân khác góp vốn làm cầu phao bắc qua nhánh sông phía trên cầu Bến Hải (Quảng Trị), Quảng Bình, Thừa Thiên Huế (nhánh sông Tả Trạch)... Khi làm cầu, gặp vỏ bom, đạn sót lại, người dân đem bán phế liệu. Nghĩ rằng sau này muốn mua cũng rất khó nên ông Chức sưu tầm về mỗi khi gặp.
“Vỏ bom đạn được thu gom từ những đại lý phế liệu và những nơi khe suối, đồi núi mà ngày xưa công binh đã xử lý tại chỗ... Khoảng 4-5 năm trước, có một đoàn cựu chiến binh đi qua nhà tôi, thấy nhiều vỏ bom, họ bảo sao không đưa lên gần quốc lộ hoặc gần điểm di tích nào đó trưng bày để nhiều người tham quan. Sau đó, tôi ấp ủ ý tưởng làm công trình này”, ông Chức kể.
Theo ông Chức, nơi ông mua đất làm nhà bom cách nhà chừng 15km. Ông muốn làm công trình này gần đường mòn Hồ Chí Minh, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn để các Cựu Chiến binh khi về Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn viếng đồng đội ghé lại, nhớ lại một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...
"Tại đây sẽ trưng bày các kỷ vật chiến tranh sưu tầm được. Cách nhà bom khoảng 100m, tôi tái hiện các bếp cơm Hoàng Cầm... để các cháu học sinh cũng như thế hệ trẻ có dịp tham quan, trải nghiệm”, ông Chức chia sẻ.
Những cột nhà bằng vỏ bom được kết nối với nhau theo kích thước từ lớn đến nhỏ từ dưới lên, trong đó cột chính cao nhất khoảng 6m
Ông Chức cho biết, cùng với hoàn thiện nhà bom, tới đây ông sẽ làm các hạng mục còn lại để có thể hoàn thành đưa vào sử dụng trong dịp 27/7.
Liên quan công trình trên, ông Hồ Văn Hầu, Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, nơi làm nhà bom trên trước đây đã là đất thổ cư, được cấp phép làm nhà ở, nhưng họ muốn chuyển đổi từ đất ở sang sản xuất kinh doanh. Xã đã phối hợp với phòng ban liên quan của huyện kiểm tra, hướng dẫn người dân làm các thủ tục theo đúng quy trình, quy định.
Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Gio Linh, vừa qua chủ công trình nhà bom trên tiến hành làm thủ tục và hỏi UBND huyện. Trường hợp trên nằm trong quy hoạch khu chức năng theo quyết định của UBND tỉnh, phía huyện đã trả lời và hướng dẫn để xin giấy phép xây dựng tạm theo quy định...
Cán bộ trên cũng cho biết, cấp phép xây dựng tạm, theo quy định của UBND tỉnh là số tầng xây dựng dưới 2 tầng, diện tích sàn không quá 250m2... và qua kiểm tra vừa qua cho thấy nhà bom làm trong phạm vi đất ở, không vượt quá các tiêu chí quy định trên...
>>> Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận:
Phần sảnh trước và căn nhà rường 3 gian với hệ trụ cột bằng vỏ bom, mái lợp lá cọ cùng những cây cọ được trồng phía trước nhà bom
Tường nhà bom xây bằng gạch thẻ, sàn nhà lát đá - đây sẽ là nơi lão nông Quảng Trị trưng bày các kỷ vật chiến tranh
Một số vỏ bom được sơn lại và dán các thông số về chiều dài, cân nặng, loại bom...
Những vỏ bom tập kết phía trước và 2 bên để phục vụ xây dựng các hạng mục còn lại và trưng bày trang trí tại khu vực nhà bom
Nhân công đang hoàn thiện nền nhà bom và một số "chiếc ô" che mưa nắng bên cạnh
Công trình “Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh” nhìn từ phía cổng vào
Trước và xung quanh nhà bom được lão nông trồng nhiều cây cọ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận