Vượt “mưa bom, bão đạn”, chi viện trên “trận đồ bát quái”
Sáng nay (28/2), Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và các đại biểu tưởng niệm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các anh hùng liệt sỹ tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh sáng nay (28/2).
Ôn lại ký ức về tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cho biết, trong gần 10 năm gắn bó với chiến trường Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với Bộ Tham mưu Trường Sơn đã chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc chống Mỹ, cứu nước.
Theo Thiếu tướng Sở, ngay sau khi được Đảng và quân đội giao trọng trách Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (1/1/1967), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã nghiên cứu, đưa ra tư tưởng chỉ đạo xây dựng và tổ chức lực lượng tuyến chi viện chiến lược 559 vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu cứ chung cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia.
Muốn làm được điều đó, trước tiên phải xây dựng thế trận cầu đường một cách vững chắc, làm được đường cho xe cơ giới loại trọng tải lớn; Tận dụng ưu thế địa hình địa vật của núi rừng và không gian dài, rộng của Trường Sơn xây dựng đường hở, đường kín, khai thác triệt để vận tải đường sông... hình thành một hệ thống 5 trục dọc, 21 trục ngang cùng đường ống xăng dầu tạo nên một “trận đồ bát quái” trên tuyến chi viện.
“Để đối phó với sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ và các cấp trên toàn chiến trường quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công, tiến công liên tục với phương thức chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Lấy lực lượng xe là lực lượng chủ đạo, các lực lượng khác hiệp đồng chiến đấu phục vụ hiệu quả cho công tác vận chuyển chi viện.
Tư lệnh còn đưa ra yêu cầu xây dựng bản lĩnh chỉ huy quyết đoán, thực hiện tác phong chỉ huy “4 trực tiếp” với các cấp chỉ huy: Trực tiếp chỉ huy, trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp động viên tư tưởng, trực tiếp kiểm tra.
Nhờ đó, trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn tăng gấp 1,7 lần, riêng máy bay B52 địch sử dụng tăng gấp 8 lần nhưng ngay trong năm đầu tiên trên cương vị Tư lệnh của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Bộ đội 559 đã vượt “mưa bom, bão đạn” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược”, Thiếu tưỡng Võ Sở nhớ lại.
Đại diện Hội Truyền thống Trường Sơn trao tặng sổ ghi bút danh lưu niệm của các đại biểu, đồng đội tham dự buổi gặp mặt cho gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lưu giữ kỹ niệm. Trước đó, đại diện gia đình đã trao tặng cuốn sách "Trọn một con đường" của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho Binh đoàn 12 để lưu giữ tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh.
“Kiến trúc sư” tổ chức hệ thống binh trạm
Chia sẻ về cuộc đời cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người có thời gian giữ cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn dài nhất, trong thời kỳ ác liệt nhất, mang tính quyết định nhất của chiến trường.
“Chỉ huy trên chiến trường Trường Sơn, đồng chí là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành Trường Sơn và cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn tạo “trận đồ bát quái” cơ động thần tốc, tiếp tế lương thực, thuốc men, vũ khí, đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tư lệnh cũng là “kiến trúc sư” của việc tổ chức hệ thống binh trạm trên đường Trường Sơn nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh, đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Đây là một trong những sáng tạo độc đáo của Tư lệnh, góp phần tạo ra đột phá chiến lược trên tuyến chi viện”, Đại tá Vũ Phúc Hậu nói.
Nói về tài thao lược quân sự của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, lãnh đạo Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cho biết thêm: Đầu năm 1970, việc vận chuyển chủ yếu theo không gian tác chiến và cung độ ngắn của mỗi binh trạm, bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi phương thức tác chiến hợp đồng binh chủng phải mở rộng hơn nữa.
Trên cơ sở đề xuất của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ngày 20/4/1970, Bộ Tư lệnh 470 (tương đương cấp Sư đoàn) đầu tiên được thành lập. Sau đó Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp tục phê chuẩn phương án tổ chức thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực là: 471, 472, 473 và Bộ Tư lệnh hậu cứ 571.
Công tác vận chuyển chi viện từ tháng 7/1971 được vận hành tác chiến hợp đồng binh chủng do các Bộ Tư lệnh khu vực đảm nhiệm. Năng suất vận chuyển chi viện tăng lên rõ rệt, đạt 145% kế hoạch được giao.
Thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, đế quốc Mỹ đã ngừng đánh phá bằng không quân trên toàn chiến trường Trường Sơn, hệ thống cầu đường được nâng cấp, tốc độ vận chuyển được tăng lên đáng kể; vận chuyển cũng dài với đội hình lớn tập trung có điều kiện để thực hiện... Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã xây dựng đề án mô hình tổ chức các sư đoàn và trung đoàn binh chủng.
Kết thúc năm 1973, vận chuyển chi viện đạt kết quả 132% kế hoạch được giao (mặc dù khối lượng được giao đã tăng gấp đôi so với năm 1972). Việc bảo đảm xăng dầu cho các chiến trường tăng gấp đôi so với năm 1972.
Tính đến tháng 5/1974, lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn bao gồm 4 Sư đoàn công binh, 2 sư đoàn ô tô vận tải, Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn phòng không 377 và đoàn Chuyên gia cố vấn cùng 21 Trung đoàn binh chủng trực thuộc.
Là một vị tướng có trái tim thấm đượm truyền thống và đạo lý của dân tộc. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tấm lòng yêu thương cán bộ, chiến sỹ. Ông chăm lo từ đời sống vật chất đến tinh thần và xương máu của bộ đội. Đồng chí luôn trăn trở trước khó khăn, trước thủ đoạn của kẻ thù, trước sự ác liệt của bom đạn... Tìm mọi cách khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất để giảm tối thiểu sự tổn thất về người và vật chất..
Với tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là người đề xuất chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt hàng vạn liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn đưa về nước.
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được đồng chí vạch ra. Ngày 24/2/1975, đồng chí đã bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Công trình được hoàn thành khoảng 2 năm sau đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận