Chiến đấu cơ Su-34 được lắp thêm tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 và tầm trung R-27 để tự vệ. - Ảnh: RT |
Sputnik đưa tin, từ ngày 30/11, các máy bay ném bom Su-34 của Nga tại căn cứ Hmeymim, tỉnh Latakia, Syria làm nhiệm vụ không kích ở Syria sẽ được bổ sung vũ khí mới. Ngoài các loại bom rơi tự do OFAB-500, bom thông minh KAB-500, Su-34 còn được lắp tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung để tự vệ.
Quyết định bổ sung tên lửa được đưa ra sau khi tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 vào ngày 24/11. Đại tá Igor Klimov, phát ngôn viên lực lượng Không gian Vũ trụ Nga cho biết, các máy bay ném bom sẽ được bổ sung thêm tên lửa để bảo vệ. Ông cho biết thêm, tên lửa lắp trên Su-34 có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở cự ly 60 km.
Căn cứ Hmeymim hiện được bảo vệ bằng hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất S-400 cùng sự bảo vệ không phận của tuần dương hạm Moscow ở ngoài khơi bờ biển Latakia.
Tên lửa được Su-34 mang theo là loại R-73 tầm ngắn (NATO gọi là AA-11 Archer) và loại tầm trung R-27 (AA-10 Alamo, theo cách gọi của NATO). Một chiếc Su-34 có thể mang đến 6 quả tên lửa R-73 trong khoang bụng hoặc dưới cánh; hoặc 8 quả tên lửa R-27 trong khoang bụng hoặc dưới cánh.
Ngoài ra Su-34 còn trang bị hệ thống tác chiến điện tử Hibiny-10B có thể làm nhiễu và “mù” thiết bị dò tìm điện tử của đối phương.
Lắp tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 lên máy bay Su-34 - Ảnh: TASS |
Tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (NATO định danh là AA-11 Archer) là tên lửa tầm nhiệt, hiện đại được Viện thiết kế quốc gia Vympel phát triển và đi vào sản xuất từ năm 1983
Tên lửa R-73 nặng nặng 110 kg, dài 2.900 mm, đường kính 170 mm, sải cánh rộng 510 mm, sử dụng đầu nổ nặng 7,4 kg. Tên lửa này có tốc độ đến 2.500 km/giờ, bắn trúng mục tiêu trên không từ độ cao 5 m đến 20 km ở tầm xa từ 300 m đến tối đa 30 km. R-73 được trang bị thiết bị dẫn đường laser và vô tuyến, có thể thấy được mục tiêu ở góc 40 độ từ đường tâm của mình.
Theo các chuyên gia quân sự, R-73 vẫn luôn có giá trị cho các trận không chiến hiện đại, sử dụng để tấn công các máy bay tấn công, máy bay ném bom, máy bay không người lái và tên lửa hành trình của đối phương.
Tên lửa cho phép có thể tiếp cận mục tiêu từ mọi hướng, dưới mọi điều kiện thời tiết, ban ngày và ban đêm, trong môi trường tác chiến bình thường hoặc trong một môi trường bị gây nhiễu nặng. R-73 thực hiện cơ chế "bắn và quên".
Chế độ dẫn đường hồng ngoại thụ động hỗ trợ phi công có thể khóa mục tiêu trước khi bấm nút phóng tên lửa. Phi công có thể quan sát và chỉ định mục tiêu cho tên lửa này đơn giản bằng cách nhìn vào mục tiêu thông qua thông số hiển thị ngay trên mũ bay của mình.
Tên lửa không đối không tầm trung R-27 trên máy bay Su-30SM - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Tên lửa không đối không R-27 (AA-10 Alamo) tầm trung, do Tập đoàn Vympel phát triển, chính thức vào biên chế từ năm 1990 để trang bị cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.
Tên lửa R-27 được sử dụng để công kích các mục tiêu như máy bay cánh bằng, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. R-27 có chiều dài 4 m, nặng 253 kg, đầu đạn 39 kg, có tầm bắn xa 60 - 80 km, bắn hạ mục tiêu từ độ cao 20 m - 25 km. Loại này có thể phóng 2 tên lửa nhắm đến 2 mục tiêu cùng lúc.
Thiết kế của R-27 về cơ bản không có gì quá khác biệt với dạng trụ tròn, thiết kế module cho phép tích hợp các hệ thống dẫn đường hay động cơ đẩy khác nhau. Tất cả các phiên bản tên lửa R-27 đều có đầu nổ nặng 39 kg được kích hoạt bằng radar hoặc tiếp xúc.
Tiếp nữa, loại tên lửa đối không tầm trung R-27 này được trang bị các cánh lái khí động học để đảm bảo khả năng bay ổn định, thiết kế của R-27 giúp cho tên lửa có thể cơ động với sức tải tối đa lên tới 8G.
Về hệ thống dẫn đường tới mục tiêu, R-27 hoặc được dẫn bằng radar bán chủ động hoặc bám bắt mục tiêu bằng đầu dò hồng ngoại tích hợp trong hệ thống dẫn đường của tên lửa. Động cơ của tên lửa R-27 là loại hỗn hợp rắn giúp AA-10 Alamo (R-27) bay với vận tốc tối đa 3.500 km/h.
Video Nga lần đầu trang bị tên lửa không đối không cho máy bay Su-34 ở Syria:
Nguồn video: RT
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận